Nỗi sợ mất đi và ham muốn có được

Trong cuộc đời người ta thường sợ điều gì nhất? Chính là sợ mất đi. Ví như: người có quyền thì sợ mất thế, người giàu có sợ mất tiền tài, người lớn tuổi sợ mất sức khỏe, người đẹp thì sợ mất đi nhan sắc, người giỏi sợ mất tài năng… 

Chúng ta cũng từng một lần sợ mất đi sự công nhận của xã hội, mất đi sự dễ chịu trong cuộc sống, sự thoải mái về thể chất và tinh thần. Nỗi sợ này luôn ẩn giấu sâu trong lòng mỗi một người, dần dần nó trở thành tự nhiên khiến người ta khó có thể nhận biết được rõ.

Nhưng thế gian vô thường, vạn vật đến đến đi đi là điều không thể tránh khỏi. Những việc mà chúng ta có thể làm được cũng chỉ là thay đổi chính bản thân, dần dần buông bỏ những nỗi sợ này, xem nó như việc thường tình của kiếp nhân sinh.

Thông thường khi chúng ta sợ mất đi một cái gì đó là bởi ta không hiểu được bản chất của cái mà mình đánh mất. Nếu bản chất của điều mất mát ấy là một thứ gì đó tồi tệ hoặc không đủ tốt thì liệu chúng ta có còn sợ hãi nữa hay không?

Khi có người tranh giành quyền lợi với chúng ta, điều đầu tiên ta nghĩ đến hầu như đều là làm cách nào để dành được phần hơn. Vì vậy nó sẽ khiến ta tức giận, vắt óc suy nghĩ, tìm mọi cách để giành giật. Nhưng có khi nào chúng ta dám lựa chọn phần mất mát thua thiệt? Tại sao ta nên làm điều này? Tại sao ta nên nhường họ?

Nếu chưa từng dám “mất đi” thì chúng ta hãy thử một lần xem kết quả sẽ ra sao. Những gì ta đang đấu đá tranh giành kỳ thực chỉ là hoa trong gương, là ‘trăng nơi đáy nước’. Nếu khi đối mặt với những tranh chấp mà có thể quyết định từ bỏ những khái niệm ban đầu về “hơn thua”, “giành giật” thì lúc đó ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.

Chúng ta thường cho rằng mọi thứ mình muốn đều là tốt, nghĩ rằng ý tưởng và lựa chọn của bản thân là đúng đắn, nỗ lực và kinh nghiệm của mình là tốt đẹp. Những những quan niệm này tích lũy lâu ngày sẽ khiến ta dễ dàng rơi vào một loại nhà tù mà bản thân tạo ra. 

Trong lịch sử xưa nay có nhiều vĩ nhân đã đạt được thành tựu không phải bởi vì tranh đoạt, mà bởi vì họ đã dám từ bỏ ánh hào quang và lối nghĩ ban đầu. Vì nếu chỉ quan tâm đến cảnh vật trước mắt thì chúng ta rất khó có thời gian và tâm trí để thấy những đỉnh núi cao hơn.
 
Cuộc sống như một ván cờ, người chơi với ta chính là bản thân mình. Cuộc chơi này rất khó khăn, ngay cả việc nhận rõ đối thủ cũng không hề đơn giản, giống như câu nói “Người ngoài thì tỏ, kẻ trong cuộc thì mê”. Điều đặc biệt là ván cờ này không tính thành bại ở từng nước đi, người chơi cờ nếu có thể nhận rõ những cố chấp của bản thân và dám bỏ đi thì phần thắng sẽ thuộc về họ.
 
Khi chúng ta dũng cảm đối diện với bản thân và thực sự không ngừng ‘đánh mất’ sự tham lam và ngông cuồng của chính mình, thì lúc đó ta sẽ không còn sợ mất đi những thứ thực tại trên thế gian này nữa. Bởi chúng đã trở nên nhỏ bé như hạt bụi trần ai. Lúc này cũng giống như việc cơn gió thoảng qua không quan tâm đến những hạt bụi, hay biển rộng bao dung không để ý đến việc mất đi hay thêm vào những giọt nước.

Không ngừng ‘mất đi’ cũng chính là không ngừng thăng hoa, không ngừng tẩy tịnh, khiến tâm hồn trong trẻo. Không sợ hãi là sự tự do về tinh thần và thể chất, không sợ xả tận những tạp chất thì sẽ trở thành những đóa liên hoa cao thượng.

(Theo Sound of Hope)