‘Lập trình’ tư duy để chuyển hóa sân hận và sống hạnh phúc

 
 
Cảm xúc là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống. Không có cảm xúc, con người chẳng khác nào gỗ đá. Cảm xúc giúp con người thăng hoa nhưng nếu không biết kiểm soát, nó cũng có thể nhấn chìm chúng ta trong khổ đau.
Một trong những cảm xúc có 'sức công phá' mạnh nhất có lẽ là sân giận. Vô số cuộc chiến trên thế giới đều xuất phát từ cơn giận. Một cơn nóng giận có thể phá hủy mối quan hệ biết bao năm gây dựng. Gia đình đổ vỡ, bạn bè ly tán cũng chì vì vài phút giận quá mất khôn. Như thế trước hết sân giận có thể hủy hoại cuộc sống của chính bạn.
Ở một thái cực khác, nhiều người cố gắng kìm nén, nuốt hận vào bên trong. Vợ chồng giận nhau, muốn nói cho ra nhẽ nhưng vì một lý do nào đó nên cố kìm lại. Có những nhân viên hiền lành bị sếp mắng oan, ức lắm nhưng không dám nói ra, ngọn lửa hận thù cứ thế cháy âm ỉ bên trong mà không giải tỏa được…

Sân giận dưới góc nhìn khoa học

Khi một cơn giận phát khởi trước một tình huống nào đó mà chúng ta coi là một ‘mối nguy’, cơ thể con người có một cơ chế phản ứng tự nhiên mà các nhà khoa học gọi là cơ chế ‘chống trả hay bỏ chạy’ – ‘đánh hay lánh' (fight or flight). Bộ não sẽ điều khiển tuyến thượng thận tiết ra một lượng hóc môn adrenaline, khiến tim đập nhanh hơn, cơ bắp gồng cứng, thành mạch co thắt lại…để cơ thể sẵn sàng dồn toàn bộ năng lượng cho ‘cuộc đấu’ hay ‘cao chạy xa bay’.
Nhờ cơ chế tự nhiên này mà con người thời tiền sử có thể sống sót trong thiên nhiên hoang dã, khi phải đối mặt vớithú dữ… Lượng adrenaline được giải phóng và sử dụng hiệu quả. Hóc môn Cortisol đồng thời được giải phóng giúp cơ thể chúng ta trở lại trạng thái cân bằng.
Còn ở xã hội hiện đại ngày nay thì sao? Một người hung hăng có thể giải phóng năng lượng ấy bằng bạo lực và hậu quả thì chúng ta có thể hình dung ra. Có khi người ta giết nhau chỉ vì một chút va chạm giao thông, một vài câu nói chạm tự ái, để rồi phải ân hận suốt đời.
Mặt khác, khi chúng ta không 'đánh’ nhưng cũng không thể ‘lánh’ được bởi những ‘mối nguy’ vô hình ấy cứ liên tục hiện diện khiến sân giận trở thành một thói quen, lượng adrenalin và cortisol bị tồn đọng sẽ gây rối loạn nội tiết tố và suy giảm hệ miễn dịch.
Cơn giận là một dạng năng lượng, nó cần được giải phóng hoặc được chuyển hóa chứ không thể đè nén bởi năng lượng không được giải phóng, ngày một chồng chất ấy, đến một lúc nào đó sẽ bùng nổ và gây ra bệnh tật. Nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy sân giận là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường ở nam giới…

Sân giận mất kiểm soát có thể hủy hoại cuộc đời bạn

Vậy làm thế nào để đối trị, chuyển hóa sân giận?

Đầu tiên, chúng ta cần truy tìm nguồn gốc của cơn giận. Ở đây, chúng ta cần tỉnh táo để hiểu cái mà ta cho là ‘mối nguy’, khiến ta ấm ức và bộ não được lập trình tự động kích hoạt một loạt phản ứng sinh hóa trong cơ thể như đã nêu trên, có thực sự có thật hay chỉ là do cách nhìn nhận tình huống có phần phiến diện, do tư duy chủ quan của chúng ta thêu dệt nên?

Hiểu về tâm để ‘lập trình’ lại tư duy

Tại sao cùng một câu nói, nhưng có thể làm một người 'tức phát điên', còn người khác lại cảm thấy bình thản? Tất nhiên ở đây có cả yếu tố tính cách, gen di truyền. Nhưng điều cốt lõi vẫn là nhận thức, cách nhìn nhận cuộc sống của mỗi người.
Cơn giận có thể phát khởi một cách rất tự nhiên. Ở khía cạnh tích cực, nó có thể tiếp thêm động lực đểchúng ta vượt qua khó khăn, dám đứng lên thể hiện sự bất bình,chống lại bất công, bảo vệ lẽ phải. Tuy nhiên, đa số trường hợp, sân giận thường là kết quả của sự bất mãn, cảm giác tổn thương, mà điều này lạixuất phát từ những nhận thức sai lầm, những kỳ vọng, ảo tưởng của chúng ta về thực tại, về cuộc sống và chính bản thân mình. Chúng ta tự cho mình thành trung tâm của vũ trụ để rồi khi mọi việc không diễn ra theo ý mình thì bực tức khó chịu.
Nhà sinh học nổi tiếng thế giới Bruce Lipton, với nhiều năm nghiên cứu về tế bào đã kết luận rằng chính nhận thức của chúng ta, hệ thống niềm tin, những suy nghĩ, quan niệm đã ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta từ bé, chứ không phải gen di truyền mới là yếu tố quyết định thái độ, cách ứng xử của chúng ta trước những tác động từ môi trường bên ngoài, từ đó quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Phật giáo còn đi xa hơn nữa khi cho rằng chúng ta bị chi phối bởi nghiệp lực, những thói quen cố hữu được huân tập không chỉ trong đời này mà còn từ nhiều kiếp trước.
Những gì chúng ta thấy đôi khi không phải là thực tại như nó đang là, mà là một phiên bản bị bóp méo, bị tô vẽ và thổi phồng do thói quen vàđịnh kiến.
Một lời chỉ trích có thể khiến ta tự ái, rồi bản ngã tiếp tục phân tích, mổ xẻ, phóng đại lên gấp bội lần khiến ta càng thêm tức tối.
Khi hiểu rằng ‘Vạn pháp duy tâm tạo’, chúng ta có thể thay đổi nhận thức, ‘lập trình’ lại cho tư duy hay nói một cách khác là rèn luyện tâm để có chính kiến và nhìn cuộc đời bằng một nhãn quan tích cực và tươi mới. Khi đã hóa giải sân hận, cuộc sống bạn sẽ tự nhiên hạnh phúc hơn.
Quán chiếu cơn giận đến rồi đi như một đám mây trên bầu trời

Tri ân cuộc sống… vô thường

Từ thống kê thực tế, nếu thấy mình đang có một cơ thể lành lặn, một gia đình với mái ấm che thân, điều đó có nghĩa là chúng ta đang hạnh phúc và may mắn hơn 80% nhân loại. Hãy quan sát cuộc sống xung quanh, nhìn những người bị tàn tật, những người đang phải sống trong cảnh khốn khó để biết trân trọng những gì mình đang có, trân trọng những người đang hiện diện trong cuộc sống, các mối quan hệ của mình.
Chính thói quen xem những điều tốt đẹp trong cuộc sống như lẽ đương nhiên,không có giá trị gì đặc biệt là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta dễ bất mãn và phiền não. Sống với lòng tri ân sẽ giúp ta bớt những đòi hỏi vô lý để không phải chuốc lấy bực bội không đáng có.
Cơn giận cũng có thể xuất phát từ lòng đố kỵ, ganh ghét. Khi biết trân trọng, hài lòng với cuộc sống của mình mà không so đo, xét nét với người khác, sân giận tự khắc tan biến.
Mọi điều trên thế gian này đều vô thường, biến đổi từng phút giây. Hiểu về lẽ vô thường giúp con người chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng đón nhận những chướng ngại khó khăn trong cuộc sống mà không bực tức hay nản lòng vì chẳng có điều gì là chắc chắnvà nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi.
Tương lai là điều không thể đoán trước, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được hành động của mình nhưng không thể kiểm soát được kết quả của những hành động ấy. Vì vậy nếu tập trung vào động cơ, thay vì kết quả, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui ngay trong công việc của mình, và cho dù kết quả có không được như ý thì chúng ta cũng sẽ không tuyệt vọng bởi ta đã cố gắng hết sức mình.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từng nói cuộc sống này chẳng khác một giấc mơ với biết bao thăng trầm, được mất. Suy ngẫm và nhận ra sự thật ấy, cuộc sống bỗng nhẹ tênh và ta có thểdễ dàng mở lòng để buông bỏ mọi hận thù và bám chấp.

Năng lượng của chính niệm chuyển hóa cơn giận

Có chính kiến và nhận thức đúng đắn giúp chúng ta tỉnh táo đểgiảm bớt tự ái, sân giận trước những ‘tác nhân kích thích’ trong cuộc sống.
Nhưng một khi cơn giận đã phát khởi, thì liệu có cách nào để chúng ta có thể xoa dịu để nó không biến thành những phản ứng bộc phát thiếu suy nghĩ, gây tổn thương cho mình và mọi người?
Mặc dù cơn giận có sức mạnh rất dữ dội, nhưng chúng ta cũng sở hữu một nguồn năng lượng vô cùng lớn lao có khả năng giúp chúng ta hóa giải cơn giận. Đó chính là năng lượng của chính niệm mà lâu nay chúng ta chưa khai phá. Một cách đơn giản,chính niệm là khả năng nhận biết, có ý thức rõ rệt về những gì đang diễn ra, là sự chú tâm và trở về với giây phút hiện tại.Theo dõi hơi thở là một cách rèn luyện chính niệm bởi hơi thởchính là cầu nối giúp thân và tâm của chúng ta hợp nhất làm một.
Chính niệm tạo ra một ‘vùng đệm’ giữa cơn giận và phản ứng của chúng ta. Khi chúng ta nhận diện cơn giận ngay khi nó phát khởi, chỉ cần nhận biết, quan sát mà không cần phán xét hay kìm nén, cũng như không tự đồng hóa bản thân mình với cảm xúc ấy, cơn giận sẽ tự khắc lắng nguội dần.
Một bậc Thầy đã dùng hình ảnh của một người mẹ ôm ấp dỗ dành đứa con đang quấy khóc để mô tả năng lượng của chính niệm chuyển hóa cơn giận dữ. Khi đó, chúng ta sẽ dần nhận ra bản chất của cơn giận chỉ là duyên hợp,như huyễn không thật có. Nó đến rồi sẽ đi một cách nhẹ nhàng như một đám mây trên bầu trời.
Giống như chính niệm, năng lượng của lòng từ bi cũng cócông năng chuyển hóa sân giận,như một làn nước mát khiến ta cảm thấy khinh an, thanh thản.Khi chúng ta biết lắng nghe để thấu hiểu và nhìn lại để cảm thông hơn với người khác, chắc chắn cơn giận sẽ nguôi đi.
Có một mẩu chuyện kể về một người đàn ông và lũ con nhỏ trên một toa tàu đông người. Trong khi bọn trẻ quậy phá, làm phiền những người xung quanh thì ông ta chỉ ngồi thừ ra đó và chẳng động tĩnh gì, điều này khiến mọi người xung quanh rất khó chịu và ném cho ông những cái nhìn khinh miệt. Tuy nhiên, một người phụ nữ đã hỏi thăm người đàn ông và được biết vợ ông vừa qua đời tại bệnh viện cách đây vài tiếng, và giờ đây, ông đang băn khoăn không biết cuộc sống với lũ trẻ rồi sẽ ra sao. Biết được điều này bỗng khiến tất cả mọi người đều thay đổi cách nhìn, cảm thông và chia sẻ với ông thay vì chỉ trích phán xét. Nỗi bực dọc trong chốc lát chuyển thành tình yêu thương…
Học cách nhìn lại mình, mở lòng để hiểu và tri ân cuộc sống, chính niệm tỉnh thức là những chất liệu tạo nên cuộc sống an lạc. Khi đóngay cả cơn giận cũng là cơ hội rèn luyệnđể mỗi chúng ta trưởng thànhvà sống trọn vẹn, hạnh phúc, ý nghĩa hơn.

Quang Minh