6 ngộ nhận sai lầm về hạnh phúc

Phàm sinh ra là con người ai cũng mong cầu hạnh phúc. Đó là nhu cầu chính đáng của mỗi chúng ta. Mặc dù vậy, con đường tìm cầu hạnh phúc của chúng ta luôn chênh vênh và đầy gian nan, và đôi khi cái giá phải trả cho thứ ‘hạnh phúc’ chúng ta tìm kiếm quá đắt và để lại nhiều tiếc nuối.

Các bậc thầy giác ngộ đã chỉ ra rằng hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm mình tạo. Quả thật, tất cả đều bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức đúng đắn giúp chúng ta có thái độ sống tích cực và ngược lại, nhận thức sai lệch là nguồn gốc của mọi khổ đau và đổ vỡ trong cuộc sống.

Có khi nào bạn dừng lại để nhìn lại con đường mình đang đi, định nghĩa lại những giá trị đích thực trong cuộc sống? Bạn quan niệm thế nào về hạnh phúc? Hãy nhớ rằng ta có thể đi nhanh hoặc chậm, nhưng điều quan trọng nhất là cần đi đúng hướng.

Dưới đây là 6 ngộ nhận sai lầm về hạnh phúc mà nhiều người mắc phải. Hãy cùng suy ngẫm để có sự lựa chọn đúng đắn và mở cánh cửa hạnh phúc chân thật của chính mình.

1. Hạnh phúc là đích đến cuối cùng: Đa số mọi người tin rằng hạnh phúc là đích đến. Chúng ta nghĩ rằng mình sẽ rất hạnh phúc khi đạt được một điều gì đó, chẳng hạn như được đề bạt trong công việc, chinh phục một giải thưởng hay sở hữu một khoản tiền nào đó… Khi hạnh phúc được xem là điểm đến thay vì hành trình, cuộc sống của chúng ta sẽ rất mệt mỏi và uổng phí bởi vì hành trình thường rất dài, còn giây phút tận hưởng ở vạch đích lại khá ngắn ngủi chóng vánh. Người hạnh phúc là người biết cách tận hưởng từng giây phút trên con đường hướng tới mục tiêu.

2. Hạnh phúc phụ thuộc ngoại cảnh: Một điều lạ lùng là con người thích tự trao quyền định đoạt hạnh phúc của chính mình vào tay người khác hay những yếu tố bên ngoài. ‘Tôi không thể hạnh phúc nếu sống thiếu cô ấy.’ ‘Chừng nào chưa đạt được vị trí đó thì tôi sẽ không yên’. Những người có tư duy như vậy thường sẽ vô cùng đau khổ, thậm chí vô cùng tuyệt vọng khi gặp phải những biến cố trong cuộc sống như bị mất mát tài sản, danh tiếng hay người thân.

3. Hạnh phúc của tiện nghi vật chất: Chúng ta không thể phủ nhận tiền bạc đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Tiền có thể giúp bạn mua được ‘hạnh phúc’ dưới hình thức những trải nghiệm thú vị hay có điều kiện khám phá nhiều điều mới lạ. Tuy nhiên, người quá coi trọng đồng tiền rất dễ bị mắc kẹt trong cái vòng xoáy bất tận của việc kiếm tiền để sở hữu được những tiện nghi mình ao ước, rồi lại cảm thấy nhàm chán và lại tiếp tục lao vào những cuộc đua mới, mà không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Lý do là bộ não của con người được ‘lập trình’ để ‘bình thường hóa’ những gì quen thuộc cho dù nó có tốt đẹp mức nào. Bởi vậy, mải học cách kiếm tiền mà quên mất việc rèn luyện ‘tâm an lạc’ là một ‘chiến lược’ sai lầm.

4. Hạnh phúc kiểu hơn thua: Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là chúng ta chỉ hạnh phúc khi thấy mình ‘hơn người khác. Thật ra, thứ ‘hạnh phúc’ này rất mong manh tạm bợ bởi nó được dẫn dắt bởi tâm đố kỵ và sự bất an thường trực trong tâm mình. Chừng nào chúng ta không biết chấp nhận và hiểu giá trị của bản thân mình thì chúng ta không thể có hạnh phúc đích thực.

5. Hạnh phúc là sự vắng bóng khó khăn: Nhiều người lầm tưởng rằng hạnh phúc là sống một cuộc đời nhàn hạ, chỉ toàn niềm vui. Đức Phật từng dạy về ‘Khổ đế’, đó là chân  về sự bất như ý luôn luôn tồn tại trong cuộc sống. Khó khăn và thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống. Người sống trí tuệ không phải là người cố gắng né tránh khổ đau, mà sẵn sàng chấp nhận và đối diện khổ đau. Trải nghiệm đau khổ giúp ta thấm thía hạnh phúc đích thực. Đôi khi, khổ đau là liều thuốc cần thiết để chúng ta thức tỉnh bản thân. Bởi vậy, chạy trốn nỗi buồn là bạn đang đang lảng tránh hạnh phúc.

6. Hạnh phúc là sự thỏa mãn bản ngã: Chúng ta thường cho rằng hạnh phúc là được làm những gì mình muốn, được ăn chơi thoả thích. Con người trong thời đại ngày nay, đặc biệt là giới trẻ, không ngừng chạy theo các thú vui giải trí, tìm kiếm các cảm giác mới lạ, nhưng rồi những cảm xúc hưng phấn ấy nhanh chóng tiêu tan, và thúc đẩy chúng ta tiếp tục tìm kiếm những ‘trò’ mới ‘nặng đô’ hơn. Bản ngã rất tham lam, luôn cả thèm chóng chán và không bao giờ biết đủ. Bởi vậy, thay vì cố gắng thoả mãn bản ngã, hãy học cách điều phục tâm mình và chế ngự bản ngã.

Có một người hỏi một vị thiền sư rằng: ‘Con muốn hạnh phúc! Vậy phải làm thế nào?’. Ngài trả lời rằng: Hãy bỏ 2 chữ ‘Con’ và ‘muốn’ ra khỏi câu nói trên, ‘Hạnh phúc’ sẽ tự khắc hiển diện. Quả thật khi chúng ta không còn cố gắng bằng mọi cách chạy theo những đòi hỏi của bản ngã, của cái ‘tôi’, giảm bớt tham muốn bám chấp, biết tri ân những gì mình đang có thì hạnh phúc sẽ hiển lộ ngay tại đây và bây giờ mà không cần phải tìm kiếm đâu xa.


(Pháp Nhiên)