Ai Chịu Ơn Ai?
18/08/2024 - 07:16
Lượt xem: 168 lượt
Có một vấn đề tưởng chừng như đáng cho Phật tử chúng ta để ý: Vấn đề ân nghĩa.
Trong đời thường có hai hạng người: hạng làm ơn và hạng chịu ơn.
Khỏi nói, ai cũng biết làm ơn là những ai bỏ của bỏ công giúp đỡ người khác. Người khác đây là kẻ chịu ơn.
Bổn phận kẻ chịu ơn, theo luân lý thế tình, là phải lo đền đáp, không bằng cách nầy thì bằng cách khác, cùng túng lắm mới xoay đến lối dùng hai tiếng cám ơn trơn. Kể ra, như thế mới là phải đạo người không vong ơn bội nghĩa.
Nhưng nếu là người làm ơn, chúng ta có nên mong và nhận sự đền báo như thế không?
Theo luật nhân quả nghiệp báo của nhà Phật, mỗi một việc của chúng ta làm tạo ra một nghiệp, một cái nhân, mà sự báo ứng, kết quả chắc chắn phải có, nếu không ở kiếp nầy là ở kiếp khác, không hề sai chạy. Khi chúng ta giúp người là chúng ta đang gieo nhân lành, tạo nghiệp tốt. Dù muốn hay không muốn, nhân lành sẽ cho trái lành mà chúng ta sẽ toại hưởng, thường là trong những trường hợp bất ngờ, vì luật nhân quả xoay chuyển luôn luôn trong âm thầm, ngoài sự hay biết của chúng ta. Thế thì cái ơn của chúng ta làm cho người này, trong lúc này, có thể sẽ do một người khác, ở một thời điểm khác, trả lại cho chúng ta, có khi bằng hai bằng ba, mà chẳng đợi chúng ta đòi hỏi. Khi trái đến thời kỳ phải chín là chín, không ai ngăn được.
Luật vay trả đã rành rành và bất di bất dịch như vậy, nếu trong hiện thời chúng ta còn đòi, còn muốn nhận những món trả khác của kẻ chịu ơn, chẳng hóa ra chúng ta cho một mà đòi mà thâu đến hai sao?
Kinh Phật dạy: Những ai gieo được nhiều phúc nhân, thì sau khi chết sẽ được sinh về cõi Thiên, an hưởng mọi điều vui sướng. Rồi đến khi quả lành hưởng hết, sẽ đầu thai trở lại cõi trần, trong cảnh giàu sang hạnh phúc. Thế thì kẻ làm lành, sống chết gì đều được biệt đãi, không như kẻ làm ác, khi chết thì sa vào A Tỳ Địa ngục, để khi tội nghiệp đền xong, trở lại thế gian làm người nghèo đói khổ sở.
Nhưng nếu đời không có người thiếu ăn, thiếu mặc, không có kẻ bệnh tật, ốm đau, thì chúng ta sẽ làm phúc làm duyên với ai chứ? Bởi vậy, phải chăng kẻ chịu ơn kia đâu phải là người lãnh mà lại là người cho? Thật thế, thiết tưởng nên cảm ơn những ai đã làm miếng ruộng tốt cho chúng ta gieo hột giống lành, căn nguyên của kiếp lai sinh hạnh phúc của chúng ta vậy.
Câu hỏi “Ai chịu ơn ai?” nghĩ nên giải quyết như thế mới hợp với chân lý và cũng có khi để tránh những cáo không vui giữa người cho kẻ nhận. Và đây cũng là một lối suy luận giúp người Phật tử tiến dần đến chỗ bố thí với tinh thần tam luân không tịch, không còn chấp vào kẻ cho, người nhận và vật được cho.
Vả lại thiện tâm chưa đủ, phải có thêm phương tiện. Hai điều kiện này có mà không cơ hội, thì cũng như không. Vậy càng nên cảm ơn những ai đã cho ta cơ hội thực hành thiện hạnh.
(Trích ‘Từ Quang’)
Trong đời thường có hai hạng người: hạng làm ơn và hạng chịu ơn.
Khỏi nói, ai cũng biết làm ơn là những ai bỏ của bỏ công giúp đỡ người khác. Người khác đây là kẻ chịu ơn.
Bổn phận kẻ chịu ơn, theo luân lý thế tình, là phải lo đền đáp, không bằng cách nầy thì bằng cách khác, cùng túng lắm mới xoay đến lối dùng hai tiếng cám ơn trơn. Kể ra, như thế mới là phải đạo người không vong ơn bội nghĩa.
Nhưng nếu là người làm ơn, chúng ta có nên mong và nhận sự đền báo như thế không?
Theo luật nhân quả nghiệp báo của nhà Phật, mỗi một việc của chúng ta làm tạo ra một nghiệp, một cái nhân, mà sự báo ứng, kết quả chắc chắn phải có, nếu không ở kiếp nầy là ở kiếp khác, không hề sai chạy. Khi chúng ta giúp người là chúng ta đang gieo nhân lành, tạo nghiệp tốt. Dù muốn hay không muốn, nhân lành sẽ cho trái lành mà chúng ta sẽ toại hưởng, thường là trong những trường hợp bất ngờ, vì luật nhân quả xoay chuyển luôn luôn trong âm thầm, ngoài sự hay biết của chúng ta. Thế thì cái ơn của chúng ta làm cho người này, trong lúc này, có thể sẽ do một người khác, ở một thời điểm khác, trả lại cho chúng ta, có khi bằng hai bằng ba, mà chẳng đợi chúng ta đòi hỏi. Khi trái đến thời kỳ phải chín là chín, không ai ngăn được.
Luật vay trả đã rành rành và bất di bất dịch như vậy, nếu trong hiện thời chúng ta còn đòi, còn muốn nhận những món trả khác của kẻ chịu ơn, chẳng hóa ra chúng ta cho một mà đòi mà thâu đến hai sao?
Kinh Phật dạy: Những ai gieo được nhiều phúc nhân, thì sau khi chết sẽ được sinh về cõi Thiên, an hưởng mọi điều vui sướng. Rồi đến khi quả lành hưởng hết, sẽ đầu thai trở lại cõi trần, trong cảnh giàu sang hạnh phúc. Thế thì kẻ làm lành, sống chết gì đều được biệt đãi, không như kẻ làm ác, khi chết thì sa vào A Tỳ Địa ngục, để khi tội nghiệp đền xong, trở lại thế gian làm người nghèo đói khổ sở.
Nhưng nếu đời không có người thiếu ăn, thiếu mặc, không có kẻ bệnh tật, ốm đau, thì chúng ta sẽ làm phúc làm duyên với ai chứ? Bởi vậy, phải chăng kẻ chịu ơn kia đâu phải là người lãnh mà lại là người cho? Thật thế, thiết tưởng nên cảm ơn những ai đã làm miếng ruộng tốt cho chúng ta gieo hột giống lành, căn nguyên của kiếp lai sinh hạnh phúc của chúng ta vậy.
Câu hỏi “Ai chịu ơn ai?” nghĩ nên giải quyết như thế mới hợp với chân lý và cũng có khi để tránh những cáo không vui giữa người cho kẻ nhận. Và đây cũng là một lối suy luận giúp người Phật tử tiến dần đến chỗ bố thí với tinh thần tam luân không tịch, không còn chấp vào kẻ cho, người nhận và vật được cho.
Vả lại thiện tâm chưa đủ, phải có thêm phương tiện. Hai điều kiện này có mà không cơ hội, thì cũng như không. Vậy càng nên cảm ơn những ai đã cho ta cơ hội thực hành thiện hạnh.
(Trích ‘Từ Quang’)
- 168 lượt