Bạn vẫn có thể thiền ngay cả khi nghe những bản nhạc thời thượng
Trong Bài thực hành quán niệm về âm thanh, thiền sinh có thể dõi theo bất kỳ âm thanh nào phát ra xung quanh mình. Cách này giúp ta dễ dàng thực tập dù ở bất kể nơi đâu hay lúc nào. Bạn có thể tập trung vào âm thanh chân ngôn, một bài hát, một bản nhạc, tiếng thác nước chảy hay bất cứ âm thanh nào của thiên nhiên. Bất kể âm thanh nào bạn cũng có thể lắng đọng tâm mình để tập trung vào đó. Phần thực hành này giúp bạn cảm nhận được sự kiểm soát khẩu nghiệp, kiểm soát được luồng khí vi tế chảy trong hệ thống kinh mạch cũng như đường đi của hơi thở.
Khi chú tâm lắng nghe những bản nhạc của Sergei Rachmaninoff, Ludwig van Beethoven hay bất kỳ nhạc sĩ khác, chúng ta có thể quan sát được nhiều dòng cảm xúc gợi lên trong tâm. Một bậc Thầy về thiền định dạy rằng: “Khi chú tâm vào những dòng xúc cảm này, xúc cảm sẽ không còn lực cuốn chúng ta theo nữa (tự cảm xúc sẽ tan). Bằng phương pháp này, chúng ta có thể học cách chú tâm vào nó mà không cần phải cố gạt bỏ hay bám theo”.
Chúng ta chỉ cần lắng nghe âm thanh. Nếu bạn biết bạn đang nghe âm thanh, đó là thiền. Thông thường, bạn không nhận biết là bạn đang nghe vì tâm của bạn bị cuốn theo dòng âm thanh đang phát. Nhưng khi bạn biết mình đang nghe, tâm của bạn không bị lạc mất. Theo cách này, bạn có thể thưởng thức âm nhạc và thiền cùng một lúc.
Bạn không cần lo là mình phải nhận biết việc mình có lắng nghe hay không. Đừng kiểm soát quá nhiều. Chỉ cần đôi tai và tâm của bạn cùng nhau lắng nghe, âm thanh và âm nhạc trở thành đối tượng của thiền. Điều đó rất có ích cho tâm loạn động như con khỉ điên đang nhảy nhót, vì bạn đang cho nó một công việc. Thông thường tâm lăng xăng cho chúng ta công việc, nhưng khi bạn chủ động cho tâm ấy một công việc, thì bạn trở thành ông chủ của nó.
Cách thực hành thiền âm thanh
Đầu tiên, bạn thả lỏng cơ thể và cố gắng giữ cho cột sống thẳng. Hãy thư giãn và buông bỏ tất cả những lo lắng muộn phiền. Chỉ cần tâm ở trong cơ thể của bạn; tâm đến với từng cơ quan trong cơ thể bạn, tâm lấp đầy cơ thể bạn, và cứ thư giãn như thể bạn vừa hoàn thành một bài tập thể chất. Bạn ngồi trên chiếc ghế với tư thế thoải mái nhất, hít thở một hơi thật mạnh và dài.
Từ tư thế thoải mái này, bạn bắt đầu lắng nghe nhạc. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, bạn có thể mở đĩa CD và nghe âm thanh phát ra từ đĩa. Đó cũng có thể là âm thanh của chân ngôn, tantra hay những âm thanh linh thiêng trân quý khác. Đa số chúng ta đều thích nghe các bài hát hoặc bản nhạc Thánh ca. Điều này có lẽ là do văn hóa. Chúng ta không cần phải cuồng tín đến mức như vậy. Chúng ta có thể tập trung lắng nghe bất âm thanh gì. Đôi khi, có người chỉ trì tụng một chữ chủng tử OM liên tục. Khi đó, bạn hãy tập trung vào giọng nói của chính mình, hay âm thanh do chính mình tạo ra. Các bậc thầy cũng khuyên chúng ta nên thực hành như vậy. Bạn có thể tự mình trì tụng chân ngôn hoặc bật đĩa lên để nghe âm thanh phát ra từ đĩa. Một lần nữa, bạn luôn lưu ý không để tâm mình trôi dạt theo bất kỳ suy nghĩ lang thang, vọng động nào. Chỉ cần tập trung vào âm thanh là đủ.
Bên cạnh việc trì tụng các câu chân ngôn, bạn cũng có thể lắng nghe những bản nhạc phổ biến bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức, hoặc những bản nhạc jazz, pop, nhạc cổ điển hay bất kỳ loại nhạc nào mà bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Cảm giác dễ chịu và tâm chấp thủ hoàn toàn khác biệt. Khi bạn cảm thấy dễ chịu không có nghĩa là bạn đang bám chấp. Có nhiều người để tâm mình phiêu du, lơ đãng khi nghe nhạc. Khi thực hành thiền định, bạn không nên để tâm mình cuốn theo âm nhạc. Bạn cần tập trung vào âm thanh càng lâu càng tốt.
Bạn đừng cố gồng lên lắng nghe, đơn giản chỉ cần để tâm tới âm thanh đang phát. Giữ tâm chính niệm với âm thanh đang phát trong khoảng thời gian lâu là điều khó, thậm chí có thể chỉ được vài giây rồi tâm của bạn lại lang thang. Vậy cũng được rồi. Nghe lại một lần nữa. Bạn cứ thực tập trong khoảng thời gian ngắn như vậy, và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn có rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc, đó là tâm loạn động như con khỉ điên của bạn. Nhưng tâm viên ý mã ấy không phải là vấn đề. Vấn đề là cách bạn đối xử với nó. Chúng ta thường có hai cách đối xử với vọng tâm:
Cách thứ nhất: bạn đang nghe theo tâm loạn động ấy và tin vào những gì nó nói. Nếu loạn tâm nói không tốt, bạn tin rằng nó không tốt. Điều đó dẫn đến sự tức giận, sợ hãi, ghen tị, hoang mang, và nhiều hơn thế nữa.
Cách thứ hai: bạn ghét cái tâm lăng xăng đó, bạn chiến đấu với nó. Nếu bạn có sự tức giận, bạn đang chiến đấu với cơn giận. Nhưng bạn không thể đánh bại cơn giận bằng cách chiến đấu. Nếu bạn chiến đấu với cái tâm nhảy nhót như con khỉ điên rồ kia, nó sẽ trở thành kẻ thù của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn lắng nghe nó, bạn sẽ trở thành ông chủ của nó.
Vậy bạn nên làm gì với vọng tâm?
Thay vì nói ra ý nghĩ, cảm xúc, như “Hãy cút đi!” hay “Vâng, thưa ngài”, bạn hãy buông xả và giao việc cho tâm lăng xăng ấy.
Khi những người khi còn trẻ đã có những cơn hoảng loạn, đó là niềm đau khổ lớn trong đời. Nhưng sau đó họ đã được học thiền, họ biết làm bạn với tâm hoảng loạn của mình. Cuối cùng họ đã trở nên rất biết ơn sự hoảng loạn đó.
Vì vậy, khi bạn nghe nhạc, hãy nhận biết cảm xúc của bạn giống như cách bạn nhận biết được âm thanh. Tâm trí của bạn có thể qua lại giữa việc nghe nhạc và nhận biết những xúc cảm nảy sinh trong cơ thể. Nhận biết cảm xúc giống như mặt trời, giúp xua tan bóng tối. Khi bạn nhận biết được cảm xúc, cảm xúc sẽ tự tan và trở nên bất lực, không còn cuốn bạn vào những vui buồn hờn ghen nữa.
(Nguồn: https://giacngo.vn)
- 99 lượt