Biết Nhiều Và Sự Chướng Ngại Của Cái Biết
Người bình thường, hơn phân nửa là “nói hay làm dở”, “nói được làm không được”. Trong đó, người thông minh chiếm đa số. Những người này phần nhiều đều được học hành tử tế, hiểu biết nhiều, nói đến tư tưởng của ai họ cũng đều nói vanh vách, cộng thêm trí thông minh sẵn có, nghe thoáng qua đã hiểu, học một biết mười, nên có thể nói năng lưu loát, rành rọt hơn người khác. Nhưng đối với họ thực hành tâm linh chỉ là một loại hiện tượng xã hội hay một loại hiện tượng tâm lí.
Đối với hầu hết các tầng lớp nhân dân, đạo Phật có khả năng chuyển hóa khổ đau trong mỗi con người, an định xã hội, cho nên nó là công cụ giáo hóa rất tốt. Thế mà những người có trí thông minh lại cho rằng, họ có tiêu chuẩn đạo đức riêng để an thân lập mạng, không cần sự chỉ dẫn và gánh vác của thực hành tâm linh. Hiện tượng này chính là “sự chướng ngại của cái biết”.
Hiểu biết nhiều là tốt, nhưng cần phải biến hiểu biết ấy thành thực tiễn, phải thể nghiệm những điều mình biết. Song, phần lớn mọi người chỉ dừng lại ở chỗ “biết” và “hiểu”, giống như người học ngành Khảo cổ học, rất sành sỏi khảo sát những văn vật thời xưa, nhưng người ấy không thể trở thành người xưa. Cho nên, muốn thụ hưởng vị ngọt trong phương pháp giải thoát của Đức Phật, không gì hơn là nỗ lực thực tập những lời giáo huấn của Như Lai. Làm được bao nhiêu, thể nghiệm được bấy nhiêu; bằng không, trên lĩnh vực tu hành chứng ngộ, người có bằng tiến sĩ Phật học chưa chắc bằng được người ít học.
(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”
Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)
- 1057 lượt