Chèo lái những cơn sóng cuộc đời
08/09/2015 - 21:57
Lượt xem: 8426 lượt
Gần đây, một người bạn khá thành đạt than thở với tôi rằng anh đang bị khủng hoảng trầm trọng: Công việc kinh doanh thua lỗ, vợ chồng mâu thuẫn, con cái học hành sa sút. Chưa hết, sức khỏe anh cũng ngày một kém, tinh thần mệt mỏi… tất cả khiến anh cảm thấy vô cùng hoang mang và bế tắc.
Quả thật, ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải hoàn cảnh tương tự như vậy. Cuộc sống như đại dương bao la, chướng ngại và khó khăn giống như những đợt sóng cuốn xô ta đi, có lúc nhẹ nhàng êm ái nhưng cũng có khi ào ạt dữ dội, như một tai họa, một biến cố lớn bất ngờ xảy đến. Rồi có những lúc dường như họa vô đơn chí, những con sóng cứ dồn dập liên tục trút xuống khiến ta không kịp trở tay. Nếu không vững vàng và biết cách chèo lái con thuyền cuộc đời mình thì chúng ta rất dễ bị nhấn chìm dưới những lớp sóng kia, hoặc trôi dạt vô định như những cánh bèo.
Vậy bằng cách nào chúng ta có thể vượt qua những sóng gió của cuộc đời? Làm sao để mọi giây phút của cuộc sống trở nên ý nghĩa và đáng sống?
Những con sóng ngầm…
Chúng ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài, sự xô đẩy của dòng đời là nguyên nhân khiến mình thất bại. Nhưng thật ra, những con sóng đánh gục và khiến chúng ta trầm chìm trong đau khổ phiền não lại đến từ bên trong. Đó là những con sóng cảm xúc như lo sợ, sân giận hay đố kỵ…luôn trực chờ dâng trào. Vì vậy, bí quyết để trụ vững và vượt lên trên sóng gió của cuộc đời không nằm ở việc chúng ta cố gắng chặn đứng những con sóng đến từ bên ngoài mà chính là nghệ thuật chế ngự những đợt sóng cảm xúc, các xúc tình phiền não đang cuộn sôi trào dâng trong tâm mình.
Bắt đầu từ nhận thức…
Để làm được điều đó, chúng ta phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức hay quan kiến về bản thân và thế giới quanh mình.
Cuộc sống không ngừng biến đổi trong từng phút giây, chẳng có điều gì là thường hằng vĩnh cửu, chỉ có cái chết là điều chắc chắn. Khi thấu hiểu và chấp nhận bản chất vô thường biến dịch của cuộc sống, chúng ta sẽ bớt bám chấp vào tài sản hay con người và sẵn sàng đón nhận sóng gió của cuộc đời bởi vì đó là điều tất yếu và không thể tránh khỏi. Có thể chúng ta đã từng nghe nói về lẽ vô thường, nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu và thấm nhuần quy luật ấy. Bởi vậy mà chúng ta thường choáng váng và tiếc nuối khi “vô thường” ập đến, chẳng hạn như bàng hoàng khi nghe tin một người bạn vừa đột ngột ra đi, hay thẫn thờ khi nhận ra vài nếp nhăn trên khuôn mặt…,
Tương lai là thứ không thể đoán trước được, nhưng cũng chính vì vậy mà cuộc sống luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ đầy thú vị.
Cảm xúc của chúng ta cũng liên tục thay đổi và thăng trầm với biết bao buồn vui. Điều quan trọng là chúng ta nhận ra rằng những điều tưởng như “bất bình thường” ấy thật ra cũng hết sức bình thường.
Nghệ thuật lướt sóng
Những tay lướt sóng lão luyện thường biết tận dụng dòng nước rút để bơi ra xa và đón những con sóng lớn. Ngược lại, khi bất ngờ gặp một dòng nước rút xa bờ, nếu vì hoảng sợ và thiếu hiểu biết mà cố bơi ngược dòng, chúng ta sẽ kiệt sức và bị sóng nhấn chìm. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bình tĩnh nương theo dòng chảy, chúng ta sẽ có cơ may sống sót bởi vì dòng chảy sẽ dần lắng xuống và không cuốn bạn đi quá xa. Trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta không nên uổng phí năng lượng than thân trách phận khi gặp phải chướng duyên mà phải học cách chấp nhận thực tế trước khi tìm giải pháp. Khi rơi vào hoàn cảnh bất như ý, chúng ta thường để những xúc tình tiêu cực như lo lắng, sợ hãi…cuốn đi khiến đầu óc ta trở nên mụ mẫm, mất phương hướng. Ở một thái cực khác, chúng ta cố gắng cưỡng lại, phủ nhận hay đè nén cảm xúc. Khi đó, những cảm xúc ấy không hề mất đi mà chỉ lẩn khuất đâu đó trong tâm thức, chờ cơ hội bùng phát trở lại dữ dội hơn.
Chúng ta cần đơn giản là đối diện, nhận biết và quán chiếu để từ đó những xúc tình ấy tự tan biến. Khi đó, chúng ta sẽ không bị trầm chìm trong phiền não. Đây cũng chính là nghệ thuật sống theo quan kiến Phật giáo.
Cơ hội trưởng thành
Mặt khác, sóng gió cuộc đời chính là cơ hội để chúng ta thử thách và trưởng thành. Có một câu chuyện khá thú vị về một chú bé nhìn thấy một con sâu bướm đang vật lộn cố thoát ra khỏi cái kén của nó. Vì muốn giúp nó nên cậu bé đã cắt bung cái kén, nhưng con bướm đã chết vì đôi cánh của nó quá yếu không thể bay được. Cậu bé không hiểu rằng chính nỗ lực tự thoát ra khỏi cái kén là sự chuẩn bị cần thiết để đôi cánh bướm có sức mạnh để có thể bay cao. Chúng ta chưa rõ về tính xác thực của câu chuyện dưới góc độ khoa học, nhưng chắn chắn rằng trong cuộc sống, có những điều chúng ta phải trải qua để có thể trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từng chia sẻ trong cuốn sách “Hạnh Phúc Tại Tâm” rằng “Hãy trải nghiệm khổ đau” bởi vì “trốn chạy nỗi buồn có nghĩa là bạn đang xa lánh hạnh phúc”. Nếu mở rộng lòng để quán chiếu, chúng ta sẽ nhận ra đằng sau mọi chướng ngại, đau khổ luôn ẩn chứa cơ hội của hạnh phúc và giải thoát. Trong cái rủi luôn có cái may. Có trải nghiệm đau khổ thì chúng ta mới trân trọng giá trị của hạnh phúc. Cũng như một món ăn ngon đôi khi cần có đủ gia vị, cho dù đôi khi có chút đắng cay.
Tri ân cuộc sống
Chúng ta thường dễ nản lòng khi gặp những chuyện không hay. Lòng tri ân giúp chúng ta nhìn thấy những khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống. Thiếu lòng tri ân khiến chúng ta than vãn ngay cả khi có đầy đủ điều kiện để sống hạnh phúc. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu bạn đang có một mái nhà che thân, được ăn ba bữa mỗi ngày, bạn đã may mắn hơn 85% dân số trên hành tinh này. Hơn nữa, chúng ta còn được sống trong hòa bình, có sức khỏe và nếu may mắn hơn còn gia đình bên cạnh. Khi quan sát cuộc sống quanh mình để thấy những tấm gương vượt khó và soi rọi lại bản thân, chúng ta sẽ thấy những trở ngại mà mình đang kêu ca phàn nàn trở nên nhỏ bé hơn. Sự trân trọng tri ân những gì mình đang có cho chúng ta thêm nghị lực, niềm lạc quan và sự tỉnh táo để đối mặt và vượt qua khó khăn. Khi đó, chướng ngại và thử thách sẽ trở thành một món quà bởi vì nó giúp chúng ta khám phá sức mạnh tiềm ẩn của chính mình để từ đó có thể tạo ra những bước tiến trên hành trình hạnh phúc.
Đến hành động…
Như vậy, không phải những chướng ngại hay hoàn cảnh khó khăn đang xảy ra mà chính cách chúng ta nhìn nhận và phản ứng ra sao trước những hoàn cảnh ấy quyết định chất lượng cuộc sống của chính mình. Quyền lựa chọn ấy hoàn toàn nằm trong tay ta. Tại sao chúng ta phải trở thành nạn nhân của những điều kiện hoàn cảnh bên ngoài trong khi hoàn toàn có thể chủ động cách nhìn nhận, chấp nhận để qua đó làm chủ vận mệnh cuộc đời mình?
Đức Phật nhiều lần khai thị chúng ta phải nương tựa ở chính mình, trở về “hải đảo tự thân” hay nguồn sức mạnh nội tâm của chính mình. Để nơi an trú ấy thật vững chãi, đủ khả năng che chắn trước bão táp cuộc đời, chúng ta cần chăm sóc, rèn luyện tâm mình. Đào luyện tâm là quá trình cho ta kết quả được tâm an lạc. Điều này giống như để có nơi an cư như ý, chúng ta cũng phải thường dọn dẹp, chăm sóc ngôi nhà mình.
Thực hành thiền định và chính niệm vài phút mỗi ngày là phương pháp tuyệt vời giúp tâm ta an định và trưởng dưỡng những phẩm tính tích cực vốn sẵn có trong tâm. Thiền định tạo ra những khoảng không gian trong tâm, giúp chúng ta tỉnh táo không bị bám chấp và cuốn theo những xúc tình tiêu cực. Khi biết lùi lại, tầm nhìn của chúng ta được mở rộng. Chúng ta có thể thiền quán, suy ngẫm về bản chất vô thường của cuộc sống, về lòng tri ân, hay thiền quán niệm hơi thở. Hơi thở chính là sợi dây kết nối thân và tâm, giúp ta duy trì chính niệm và trở về giây phút hiện tại. Chính niệm nghĩa là nhận biết rõ rệt về từng hành động của mình và những gì đang diễn ra trong hiện tại. Năng lượng của chính niệm có thể giúp chúng ta chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng thành năng lượng tích cực và động lực hành động.
Với tâm an định và tỉnh thức, chúng ta sẽ có khả năng lựa chọn sáng suốt trong mọi tình huống, kể cả khi bị khó khăn và chướng ngại bủa vây, giống như một thân cây với bộ rễ chắc khỏe cắm sâu có thể trụ vững trước phong ba bão táp.
Và cuối cùng, hãy tận dụng mọi cơ hội để gần gũi, hòa mình với thiên nhiên. Thiên nhiên là một “người thầy” vĩ đại. Bốn mùa xuân hạ thu đông cho ta bài học về lẽ vô thường, về lòng kiên nhẫn. Những bông hoa xương rồng trên cát là biểu tượng của sức sống mãnh liệt vượt lên trên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh để thích nghi và tỏa sáng... Trở về với thiên nhiên là trở về với tự tính vốn sẵn có trong ta từ vô thủy, khơi lại nguồn cảm hứng để chúng ta có thêm niềm tin yêu cuộc sống và vượt qua mọi thác ghềnh trên đường đời.
Cuộc sống vốn đầy rẫy cam go thử thách, nhưng nếu biết tỉnh thức quán chiếu, chúng ta sẽ luôn tìm thấy câu trả lời cho mọi thách đố, bởi “cuộc sống vốn không phải là chờ cho bão tố qua đi mà là học cách nhảy múa trong mưa”.
Jigme Rangjung Samten
- 8426 lượt