Có sự khác biệt nào giữa hạnh phúc và khổ đau?
Đức Milarepa có một đệ tử tên là Ngigum Repa. Ông được gọi là repa bởi ông đã thành tựu pháp tummo (nội hỏa) và chỉ cần khoác một chiếc áo vải trong bất kể điều kiện thời tiết như thế nào. Khi ông thỉnh cầu Đức Milarepa về cách tu tập chuyển hóa tâm, Ngài đáp lại rằng: “Hành giả cần phải nhìn vào bản chất chân thật của tâm. Bản chất của nó không bị tạo tác giống như không gian, không hiện hữu mà cũng chẳng phải là không hiện hữu. Không có gì cần phải làm với nó, chỉ cần an trụ. Nếu ta nhận ra mọi hiện tượng đều vô thường, vô ngã, khổ và không, ta sẽ không bám chấp hay sợ hãi. Sẽ không có khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau. Đây là cách ta thực hành”.
Bản chất của tâm không bị tạo tác giống như không gian. Khi ta để mặc nó như đúng bản chất sinh diệt của nó, ta nhận ra bản chất của mọi hiện tượng (của vạn pháp). Các sự việc (vạn pháp) vẫn xuất hiện nhưng ta không bám chấp vào chúng và nhận ra rằng chúng không thể gây tác hại cho ta. Thật khó nhận ra rằng mọi hiện tượng đều trống không. Trước tiên, bạn phải nương tựa vào việc học tập, nghiên cứu và đọc tụng Kinh điển. Lúc đầu bạn phụ thuộc vào sự hiểu biết nhờ việc lắng nghe và ta vẫn còn ý thức về ta và người. Nhưng khi bạn nhìn vào bản chất của tâm, bạn nhận ra rằng nó không có sự hiện hữu chân thực. Khi đó, bạn nhận ra rằng bám chấp của bạn không có nền tảng.
Những hành giả sơ cơ khó có thể hiểu được điều này. Khi bạn nói một người không có tự tính, họ sẽ bảo là bạn ngu đần. Nhưng khi bạn hiểu được tự tính của một người, bạn sẽ thấu hiểu tự tính của tất cả chúng sinh. Khi bạn hỏi họ người nào đó có phải là con người không, họ sẽ nói “Phải, đúng như vậy”. Nhưng khi bạn hỏi rằng một xác chết có phải là con người không, họ sẽ nói “Không”, tâm là con người. Nhưng khi bạn nghiên cứu về tâm thì nó là gì? Đức Phật nói rằng nó như một giấc mộng. Khi ta đi ngủ, ta thức dậy và nói giấc mộng không có thực. Cuộc đời hiện tại này hiện hữu như một giấc mộng. Sau khi ta chết, khi ta nhận biết, ta sẽ ở trong trạng thái Bardo (thân trung ấm). Như thế nếu ta hiểu rằng những hiện tượng bên ngoài sẽ bị hủy diệt bởi vì tất cả chúng đều là những hiện tượng duyên hợp và vô thường, và những hiện tượng bên trong cũng vô thường, tâm sẽ trở nên an tĩnh và thanh thản. Các khoa học gia biết rằng các hiện tượng bên ngoài sẽ bị hủy diệt. Nhưng tâm sẽ không bao giờ thôi hiện hữu. Nếu ta nhận ra mọi hiện tượng đều vô thường, ta sẽ không bám chấp hay sợ hãi. Vì thế Đức Milarepa đã dạy rằng không có khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau.
Khi chúng ta không bám chấp vào các hiện tượng, tâm sẽ an trụ trong trẻo và không bị hoen ố. Khi ta nhận ra điều này, ước muốn thiền định cũng biến mất. Tâm ta vẫn như nó là. Ta nhận ra tâm là tâm Phật và ta siêu vượt các niệm tưởng thực hành hay không thực hành. Nước là một ví dụ cho việc tất cả chúng sinh là Phật. Khi nước được dùng để giặt quần áo, nó trở nên dơ bẩn. Nhưng mặc dù dơ bẩn, nó vẫn là nước. Ta có thể lọc nước để làm cho nó trong sạch trở lại. Nhờ thực hành, tâm ta có thể được tịnh hóa và trở lại thành tâm Phật.
Khi có ai nói rằng tôi không phải là một Phật tử và không cần giáo lý này, hãy giải thích cho họ rằng theo quan điểm của Phật giáo thì Phật tính vốn sẵn có trong tâm tất cả chúng sinh. Nếu ai đó nói rằng tôi không thể đạt được giác ngộ, thì suy nghĩ đó là không đúng bởi nguyên nhân của giác ngộ nằm trong tâm của tất cả chúng sinh. Ngay cả các hiện tượng bên ngoài cũng là Pháp tính bởi chúng rỗng rang.
(Lược trích bài giảng “Milarepa khai thị về tâm và cách thực hành”
Tác giả: Garchen Rinpoche
Nguồn: LienHoaQuang Foundation)
- 608 lượt