Con đường nào là của tôi ?

Chúng ta thường dạy con cái rằng ‘không phải cứ muốn gì là được nấy’, và ngụ ý rằng việc chúng đòi hỏi là sai quấy. Và khi lũ trẻ hỏi lại "Tại sao ?”, có lẽ chúng ta sẽ đáp: "Bây giờ cứ nghe theo lời bố mẹ, rồi lớn lên con sẽ hiểu!" 

Bạn có thấy như vậy là hơi bất công ? Bởi vì bản thân người lớn chúng ta cũng có thái độ y như những đứa trẻ vậy! Chẳng phải lúc nào chúng ta cũng muốn mọi thứ theo ý mình hay sao? Sự khác biệt duy nhất là chúng ta dường như ít thành thật và cởi mở hơn mà thôi. Giả sử bạn có thể làm mọi việc theo cách của mình, kết quả sẽ ra sao? Hẳn bạn còn nhớ trong những câu chuyện cổ tích, khi nhân vật chính được ban cho ‘ba điều ước’ thường cũng là lúc họ bắt đầu gặp rắc rối?  

Những người dân ở tiểu bang Maine, Hoa Kỳ có một câu nói vui nổi tiếng: "Bạn không thể đi đến đó từ nơi này được." khi ai đó hỏi đường (vì hệ thống đường xá phức tạp ở đây - ND). Bàn về hướng đi trong cuộc đời, có lẽ sẽ chính xác hơn khi nói rằng "Bạn chỉ có thể đến được nơi ấy, nếu bạn đang thực sự có mặt ở nơi này". Có bao nhiêu người trong chúng ta nhận thức được sự thật này? Bạn có thực sự biết mình cần gì? Giả sử ta có thể có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, liệu chúng ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề hay chỉ khiến cuộc sống thêm rối rắm? Những ước muốn của chúng ta có xuất phát từ sâu thẳm trái tim hay chỉ là kết quả của những phút giây bốc đồng thất niệm? 

Có một câu hỏi rất thú vị ở đây: "Con đường của ta là gì?". Chúng ta ít khi suy ngẫm về cuộc đời mình một cách sâu sắc. Bạn có thường xuyên trăn trở với những câu hỏi đơn giản như "Tôi là ai?", "Tôi đang đi về đâu?". "Tôi đang đi trên con đường nào?", "Tôi có đang đi đúng hướng?", "Nếu được chọn một con đường ngay lúc này, tôi sẽ chọn hướng đi nào?", "Đâu là con đường mà tôi khao khát?". "Đam mê đích thực của tôi là gì?"
 
Câu hỏi "Con đường của tôi là gì?" là một đề mục thiền quán tuyệt vời. Chúng ta không cần phải tìm ra ngay lời giải đáp, hoặc nghĩ rằng phải có một câu trả lời cụ thể duy nhất. Bạn không cần phải cố gắng suy nghĩ hay dụng công gì cả. Thay vì vậy, hãy kiên nhẫn nêu lên câu hỏi, và để cho câu trả lời tự đến rồi đi. Cũng giống như việc hành thiền với các đề mục khác, chúng ta chỉ cần quan sát, lắng nghe, ghi nhận, không phán xét đánh giá, buông xả và tiếp tục đặt câu hỏi "Con đường của tôi là gì?", "Tôi là ai?".

Mục đích ở đây là để tâm ta rộng mở với những điều chưa biết, cho phép mình chấp nhận rằng "Tôi không biết". Và sau đó hãy thử thả mình thư giãn trong‘cái không gian chưa biết’ đó, thay vì trách móc bản thân. Bởi vì, ngay trong giây phút này đây, có thể chúng ta thực sự không biết câu trả lời.

Những câu hỏi như vậy giúp chúng ta khai mở trí tuệ, khám phá những chân trời mới, tầm nhìn và hành động mới. Những trăn trở ấy, sau một thời gian tự chúng sẽ có một sức sống riêng. Nó lan tỏa,thẩm thấu vào con người chúng ta và thổi một luồng sinh khí mới, một sức sống tươi mát vào những lề thói thường ngày tẻ nhạt và vô vị của chúng ta. Và câu hỏi ấy sẽ ‘xử lý’chúng ta, thay vì ngược lại. Đó là một phương cách tuyệt vời để khám phá con đường vốn sẵn có trong tim ta. Bản thân cuộc sống là một hành trình vĩ đại, nhưng nó sẽ kỳ diệu bội phần nếu ta biết sống tỉnh thức, dám mạo hiểm và vượt lên chính mình. Trên hành trình siêu việt ấy, chúng ta là thuyền trưởng, là người viết nên câu chuyện cổ tích của chính mình. Đó là đường bay giữa sinh và tử, một kiếp người ngắn ngủi. Không ai có thể trốn chạy cuộc phiêu lưu này. Chúng ta chỉ lựa chọn và hành xử khác nhau mà thôi. 
 
Vậy chúng ta có thể tiếp xúc được với những điều kỳ diệu của cuộc sống? Chúng ta có tận dụng được tối đa kiếp người quý giá? Có dám đối diện với mọi thử thách, sẵn sàng dấn thân, thử nghiệm, để trưởng thành, để hành động với trí tuệ hiểu biết, để thành thật với bản thân và khám phá ra con đường của mình, và quan trọng hơn hết, là vững bước trên con đường ấy?


(Theo Jon Kabat-Zinn – ‘Wherever you go, there you are’)