Danh tướng
25/12/2022 - 07:11
Lượt xem: 86 lượt
Ta đưa đôi mắt thiền quán nhìn sâu vào danh tướng, để thấy rõ danh tướng có làm cho ai khổ đau không? Danh tướng không làm cho ai khổ đau cả, mà danh tướng cũng không làm cho ai hạnh phúc hết. Sự hạnh phúc là do tâm của một người có sự trong sáng, lành mạnh và rộng lớn. Khi tâm của một người có trong sáng, lành mạnh và rộng lớn, họ sử dụng cái danh tướng nào, thì cái danh tướng đó, trở thành trong sáng, lành mạnh, rộng lớn và danh tướng đó, có tác dụng đem lại hạnh phúc cho chính họ và có tác dụng xây dựng tốt đẹp cho cuộc đời của họ.
Trái lại, người có tâm hồn chật hẹp, tối tăm, rách nát, sứt mẻ nếu người đó khoác lên cái danh tướng nào, thì danh tướng đó, càng trói buột làm khổ đau phiền hà và đốt cháy hết mọi hạnh phúc của người đó.
Điều này, ta cũng thấy rất rõ trong xã hội, có đôi người cái tâm của họ thì nhỏ, mà cái danh tuớng của họ thì lớn, nên mỗi khi họ trực diện với công việc, sinh ra sự sợ hãi, lo lắng và nghi ngờ, khiến tâm họ bất an và cũng từ đó mà sinh ra bệnh hoạn. Họ đưa tới bệnh hoạn cho bản thân đã đành mà còn đưa tới bệnh hoạn cho công việc, bệnh hoạn cho tổ chức và bệnh hoạn cho cuộc đời.
Xã hội chúng ta hiện nay có rất nhiều bệnh hoạn, trong đó có những bệnh hoạn do con người phần nhiều đắm chìm vào cái danh tướng hư huyễn, nên đã làm khổ đau cho chính họ và nhiều người.
Trong đôi mắt thiền quán, danh tướng được làm nên bởi cái không phải danh tướng và chính cái danh tướng được làm nên bởi cái không danh tướng mà ta tưởng rằng là có danh tướng thiệt, cho nên ta có khổ đau.
Cũng giống như ta có căn khí của một người đàn ông mà đi đến cái xứ nào đó, họ kêu ta rằng: “Này cô kia, hay này bà kia”, dù họ gọi ta bằng danh từ cô hay bà, thì ta vẫn là đàn ông, chứ không phải vì họ gọi như vậy mà ta trở thành cô hay bà.
Cũng vậy, ta có bản chất của người phụ nữ, ta là phụ nữ, khi ta đi đến chỗ nào đó, mà họ gọi ta rằng: “Này anh kia hay kính thưa ông...” thì ta vẫn là phụ nữ thôi, chứ không phải vì họ thưa ta bằng ông, mà ta trở thành đàn ông.
Cho nên, vấn đề là ta có phẩm chất thật sự, có tâm hồn thật sự, có hạt giống và có khả năng thật sự đúng với cái tên gọi hay không? Còn nếu ta không có phẩm chất đúng với cái tên gọi, mà nghe họ gọi cái danh tướng của ta như vậy, ta liền thích thú. Sự thích thú như vậy, chỉ đưa ta tới sự thất vọng và khổ đau mà thôi.
Bằng đôi mắt thiền quán, ta nhìn sâu vào các danh tướng, ta thấy rằng: “Không có cái danh nào gọi là chính danh cả, cái chính danh là cái vô danh, chính cái vô danh mới là cái chính danh”. Hay nói theo cách nói của văn hệ Bát nhã: “Không có cái tướng nào gọi là thực tướng cả, chính cái vô tướng mới là cái thực tướng của vạn hữu”.
Như vậy, cái danh tướng đích thực của con người, chính là cái không danh tướng. Không danh tướng chừng nào, thì người đó có hạnh phúc chừng đó, người đó thong dong, tự tại chừng đó và người đó có tự do chừng đó. Người nào sống với hữu danh, hữu tướng chừng nào, thì người đó bị kẹt chừng đó, bị phiền hà chừng đó.
Ngày xưa, khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một vị quan xuất gia làm thầy Tỷ kheo, đức Phật dạy cho vị này pháp ly dục, tịch tịnh sống ở trong núi rừng yên tĩnh để theo dõi và quán chiếu tâm, vị đó ngồi thiền, đi thiền trong rừng vắng cảm thấy thích thú và treo võng vào hai gốc cây đu đưa qua lại, gió mát thoải mái, vị đó cảm thấy hạnh phúc, an lạc. An lạc là không bị buộc ràng bởi bất cứ một điều kiện nào cả. Trong giây phút cảm nhận hạnh phúc là không còn có sự buộc ràng, vị ấy nếm được pháp vị của sự ly dục, nên đã hét to, khiến cho các Tỷ kheo khác động niệm.
Các thầy Tỷ kheo khác, liền thưa với Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn! Vị Tỳ kheo kia chán tu rồi, nên đã hét lên giữa rừng!”.
Thế Tôn gọi vị Tỳ kheo kia đến hỏi: “Sao? Trưa này Thầy sống giữa núi rừng, không có hạnh phúc hay sao mà hét lên như vậy, làm cho các thầy khác động niệm và đã đến thưa với Như Lai”.
Vị Tỷ kheo ấy quỳ xuống và bạch Thế Tôn rằng: “Con vì hạnh phúc quá, nên không làm chủ được con và con đã thốt lên lời như vậy”.
Thế Tôn hỏi: Tôn giả thấy hạnh phúc như thế nào?
“Bạch Thế Tôn! Con thấy hạnh phúc một cách kỳ lạ, bởi vì trước đó con làm quan, đi đâu là có tùy tùng bộ hạ đi theo, con không hề có tự do, trước khi ăn phải có người nếm thức ăn, trước khi ngủ phải có người kiểm tra, đi đâu phải có người đi theo bảo vệ. Giờ đây đi theo Thế Tôn con bỏ hết, con thực hành hạnh ly dục, tịch tịnh, sống giữa rừng sâu mà con thấy an toàn hạnh phúc, thảnh thơi quá, nên con thấy con hôm nay thực sự là hạnh phúc”.
Qua câu chuyện ấy, ta thấy người mà có chủ quyền, người mà có thảnh thơi là người không mang bất cứ một danh tướng nào cả, còn mang vào trong ta một danh tướng nào đó, thì đời ta bị cái danh tướng đó cột chặt và gây phiền nhiễu.
Và, ta biết rằng mang danh tướng vào trong ta, thì đời sống của ta trở nên nặng nề, nhưng buông bỏ danh tướng, thì ta lấy cái gì để buông bỏ? Ta hãy sử dụng tâm vô chấp nơi danh tướng mà buông bỏ danh tướng vậy.
Khi một người tu tập có khả năng làm lợi ích cho đời, thì người đó phải luyện cái tâm, để tâm không bị kẹt vào danh tướng, còn nếu tu tập mà tâm bị kẹt vào danh tướng, thì đương nhiên sự tu hành của người đó không có lợi ích gì bao nhiêu, và người đó cũng chẳng làm được lợi ích bao nhiêu cho cuộc đời!
Hễ tâm ta mắc kẹt vào danh tướng, thì ta làm cái gì, cũng chỉ làm cho cái danh tướng của ta thôi và khi ta đã làm cho danh tướng của ta, thì làm sao ta gọi là ta làm lợi ích cho cuộc đời được và làm sao ta tự cho rằng, ta hiểu và thương cuộc đời và ta đang giúp đời! Ta làm mọi công việc với cái tâm danh tướng, thì hiệu quả đem lại lợi ích cho ta rất ít mà tai họa đem lại cho ta và cho mọi người rất nhiều. Càng làm theo danh tướng, ta càng mất tự do và càng làm theo danh tướng, ta càng mất chủ quyền.
Tụng kinh Phổ Môn, ta thấy trong kinh diễn tả Bồ tát Quán Thế Âm cần hiện thân vị Tỳ kheo, liền hiện thân Tỳ kheo mà thuyết pháp, cần hiện thân vị Trưởng giả liền hiện thân vị Trưởng giả mà thuyết pháp, cần hiện thân vị Tể tướng liền hiện thân vị Tể tướng mà thuyết pháp, cần hiện thân vị Bà-la-môn liền hiện thân vị Bà-la-môn mà thuyết pháp, cần hiện thân một đồng nam hay một đồng nữ liền hiện thân một đồng nam hay đồng nữ mà thuyết pháp...
Bồ tát Quán Thế Âm làm được điều đó, bởi vì tâm của Ngài không bị mắc kẹt vào bởi bất cứ ở nơi một danh tướng nào. Còn nếu Ngài bị mắc kẹt vào ở nơi danh tướng, thì khi Ngài hiện tướng đồng nam, thì Ngài vĩnh viễn là đồng nam thôi, chứ không thể nào hiện tướng đồng nữ được và khi hiện tướng đồng nam để thuyết pháp mà không có khả năng hiện tướng đồng nữ, thì việc thuyết pháp của Ngài bị hạn chế, bị hạn chế bởi thời gian, bị hạn chế bởi không gian và bị hạn chế bởi chủng loại. Bởi vì, có những không gian chỉ có đồng nam mà không có đồng nữ, có những không gian chỉ có đồng nữ mà không có đồng nam. Có những không gian và có những thời gian thuận hợp cho đồng nam mà không phải đồng nữ, hoặc có chủng loại, khi thì nam khi thì nữ, nếu Ngài chỉ kẹt vào tướng nam, thì Ngài lại trở ngại với tướng nữ, nếu Ngài chỉ kẹt vào tướng nữ, thì bị trở ngại với tướng nam, kẹt vào tướng Tỳ kheo, thì bị trở ngại với tướng người đời, kẹt vào tướng của người đời, thì bị trở ngại bởi tướng xuất gia, kẹt vào tướng dân thì trở ngại với tướng quan, kẹt vào tướng quan, thì bị trở ngại tướng của dân. Cho nên trong đời có những vị minh quân mà muốn nghe dân, họ phải cởi áo quan, áo vua bỏ một bên và mặc tướng áo của người dân mới thân cận với dân và nghe tiếng nói của dân được.
Như vậy, khi thiền quán sâu, ta thấy danh tướng có phải là tạo nên hạnh phúc hay khổ đau cho con người không? Hoàn toàn không phải. Cái mà tạo nên khổ đau cho con người, làm cho mọi hoạt động của con người bị hạn chế, là do tâm của con người bị dính và kẹt vào danh tướng.
Cái mà tạo nên hạnh phúc cho con người, tạo nên cái vĩ đại cho con người, tạo nên cái đa dụng cho con người, tạo nên cái đa thù cho con người, tạo nên cái rộng lớn cho con người là cái tâm không bị kẹt ở nơi danh tướng.
Tâm không bị kẹt vào nơi danh tướng, nên bất cứ cái danh tướng nào cũng là cái tướng của tâm. Nên, ta làm chủ được tâm, thì ta sử dụng được tướng.
Bồ tát sống với tâm vô trú, nên Bồ tát không bị kẹt vào bất cứ danh tướng nào, do đó đối với bất cứ danh tướng nào Bồ tát cũng có thể tùy duyên sử dụng để làm lợi ích cho cuộc đời. Nên, Bồ tát là những vị sống tự do giữa mọi danh tướng.
(HT. Thích Thái Hòa)
Trái lại, người có tâm hồn chật hẹp, tối tăm, rách nát, sứt mẻ nếu người đó khoác lên cái danh tướng nào, thì danh tướng đó, càng trói buột làm khổ đau phiền hà và đốt cháy hết mọi hạnh phúc của người đó.
Điều này, ta cũng thấy rất rõ trong xã hội, có đôi người cái tâm của họ thì nhỏ, mà cái danh tuớng của họ thì lớn, nên mỗi khi họ trực diện với công việc, sinh ra sự sợ hãi, lo lắng và nghi ngờ, khiến tâm họ bất an và cũng từ đó mà sinh ra bệnh hoạn. Họ đưa tới bệnh hoạn cho bản thân đã đành mà còn đưa tới bệnh hoạn cho công việc, bệnh hoạn cho tổ chức và bệnh hoạn cho cuộc đời.
Xã hội chúng ta hiện nay có rất nhiều bệnh hoạn, trong đó có những bệnh hoạn do con người phần nhiều đắm chìm vào cái danh tướng hư huyễn, nên đã làm khổ đau cho chính họ và nhiều người.
Trong đôi mắt thiền quán, danh tướng được làm nên bởi cái không phải danh tướng và chính cái danh tướng được làm nên bởi cái không danh tướng mà ta tưởng rằng là có danh tướng thiệt, cho nên ta có khổ đau.
Cũng giống như ta có căn khí của một người đàn ông mà đi đến cái xứ nào đó, họ kêu ta rằng: “Này cô kia, hay này bà kia”, dù họ gọi ta bằng danh từ cô hay bà, thì ta vẫn là đàn ông, chứ không phải vì họ gọi như vậy mà ta trở thành cô hay bà.
Cũng vậy, ta có bản chất của người phụ nữ, ta là phụ nữ, khi ta đi đến chỗ nào đó, mà họ gọi ta rằng: “Này anh kia hay kính thưa ông...” thì ta vẫn là phụ nữ thôi, chứ không phải vì họ thưa ta bằng ông, mà ta trở thành đàn ông.
Cho nên, vấn đề là ta có phẩm chất thật sự, có tâm hồn thật sự, có hạt giống và có khả năng thật sự đúng với cái tên gọi hay không? Còn nếu ta không có phẩm chất đúng với cái tên gọi, mà nghe họ gọi cái danh tướng của ta như vậy, ta liền thích thú. Sự thích thú như vậy, chỉ đưa ta tới sự thất vọng và khổ đau mà thôi.
Bằng đôi mắt thiền quán, ta nhìn sâu vào các danh tướng, ta thấy rằng: “Không có cái danh nào gọi là chính danh cả, cái chính danh là cái vô danh, chính cái vô danh mới là cái chính danh”. Hay nói theo cách nói của văn hệ Bát nhã: “Không có cái tướng nào gọi là thực tướng cả, chính cái vô tướng mới là cái thực tướng của vạn hữu”.
Như vậy, cái danh tướng đích thực của con người, chính là cái không danh tướng. Không danh tướng chừng nào, thì người đó có hạnh phúc chừng đó, người đó thong dong, tự tại chừng đó và người đó có tự do chừng đó. Người nào sống với hữu danh, hữu tướng chừng nào, thì người đó bị kẹt chừng đó, bị phiền hà chừng đó.
Ngày xưa, khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một vị quan xuất gia làm thầy Tỷ kheo, đức Phật dạy cho vị này pháp ly dục, tịch tịnh sống ở trong núi rừng yên tĩnh để theo dõi và quán chiếu tâm, vị đó ngồi thiền, đi thiền trong rừng vắng cảm thấy thích thú và treo võng vào hai gốc cây đu đưa qua lại, gió mát thoải mái, vị đó cảm thấy hạnh phúc, an lạc. An lạc là không bị buộc ràng bởi bất cứ một điều kiện nào cả. Trong giây phút cảm nhận hạnh phúc là không còn có sự buộc ràng, vị ấy nếm được pháp vị của sự ly dục, nên đã hét to, khiến cho các Tỷ kheo khác động niệm.
Các thầy Tỷ kheo khác, liền thưa với Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn! Vị Tỳ kheo kia chán tu rồi, nên đã hét lên giữa rừng!”.
Thế Tôn gọi vị Tỳ kheo kia đến hỏi: “Sao? Trưa này Thầy sống giữa núi rừng, không có hạnh phúc hay sao mà hét lên như vậy, làm cho các thầy khác động niệm và đã đến thưa với Như Lai”.
Vị Tỷ kheo ấy quỳ xuống và bạch Thế Tôn rằng: “Con vì hạnh phúc quá, nên không làm chủ được con và con đã thốt lên lời như vậy”.
Thế Tôn hỏi: Tôn giả thấy hạnh phúc như thế nào?
“Bạch Thế Tôn! Con thấy hạnh phúc một cách kỳ lạ, bởi vì trước đó con làm quan, đi đâu là có tùy tùng bộ hạ đi theo, con không hề có tự do, trước khi ăn phải có người nếm thức ăn, trước khi ngủ phải có người kiểm tra, đi đâu phải có người đi theo bảo vệ. Giờ đây đi theo Thế Tôn con bỏ hết, con thực hành hạnh ly dục, tịch tịnh, sống giữa rừng sâu mà con thấy an toàn hạnh phúc, thảnh thơi quá, nên con thấy con hôm nay thực sự là hạnh phúc”.
Qua câu chuyện ấy, ta thấy người mà có chủ quyền, người mà có thảnh thơi là người không mang bất cứ một danh tướng nào cả, còn mang vào trong ta một danh tướng nào đó, thì đời ta bị cái danh tướng đó cột chặt và gây phiền nhiễu.
Và, ta biết rằng mang danh tướng vào trong ta, thì đời sống của ta trở nên nặng nề, nhưng buông bỏ danh tướng, thì ta lấy cái gì để buông bỏ? Ta hãy sử dụng tâm vô chấp nơi danh tướng mà buông bỏ danh tướng vậy.
Khi một người tu tập có khả năng làm lợi ích cho đời, thì người đó phải luyện cái tâm, để tâm không bị kẹt vào danh tướng, còn nếu tu tập mà tâm bị kẹt vào danh tướng, thì đương nhiên sự tu hành của người đó không có lợi ích gì bao nhiêu, và người đó cũng chẳng làm được lợi ích bao nhiêu cho cuộc đời!
Hễ tâm ta mắc kẹt vào danh tướng, thì ta làm cái gì, cũng chỉ làm cho cái danh tướng của ta thôi và khi ta đã làm cho danh tướng của ta, thì làm sao ta gọi là ta làm lợi ích cho cuộc đời được và làm sao ta tự cho rằng, ta hiểu và thương cuộc đời và ta đang giúp đời! Ta làm mọi công việc với cái tâm danh tướng, thì hiệu quả đem lại lợi ích cho ta rất ít mà tai họa đem lại cho ta và cho mọi người rất nhiều. Càng làm theo danh tướng, ta càng mất tự do và càng làm theo danh tướng, ta càng mất chủ quyền.
Tụng kinh Phổ Môn, ta thấy trong kinh diễn tả Bồ tát Quán Thế Âm cần hiện thân vị Tỳ kheo, liền hiện thân Tỳ kheo mà thuyết pháp, cần hiện thân vị Trưởng giả liền hiện thân vị Trưởng giả mà thuyết pháp, cần hiện thân vị Tể tướng liền hiện thân vị Tể tướng mà thuyết pháp, cần hiện thân vị Bà-la-môn liền hiện thân vị Bà-la-môn mà thuyết pháp, cần hiện thân một đồng nam hay một đồng nữ liền hiện thân một đồng nam hay đồng nữ mà thuyết pháp...
Bồ tát Quán Thế Âm làm được điều đó, bởi vì tâm của Ngài không bị mắc kẹt vào bởi bất cứ ở nơi một danh tướng nào. Còn nếu Ngài bị mắc kẹt vào ở nơi danh tướng, thì khi Ngài hiện tướng đồng nam, thì Ngài vĩnh viễn là đồng nam thôi, chứ không thể nào hiện tướng đồng nữ được và khi hiện tướng đồng nam để thuyết pháp mà không có khả năng hiện tướng đồng nữ, thì việc thuyết pháp của Ngài bị hạn chế, bị hạn chế bởi thời gian, bị hạn chế bởi không gian và bị hạn chế bởi chủng loại. Bởi vì, có những không gian chỉ có đồng nam mà không có đồng nữ, có những không gian chỉ có đồng nữ mà không có đồng nam. Có những không gian và có những thời gian thuận hợp cho đồng nam mà không phải đồng nữ, hoặc có chủng loại, khi thì nam khi thì nữ, nếu Ngài chỉ kẹt vào tướng nam, thì Ngài lại trở ngại với tướng nữ, nếu Ngài chỉ kẹt vào tướng nữ, thì bị trở ngại với tướng nam, kẹt vào tướng Tỳ kheo, thì bị trở ngại với tướng người đời, kẹt vào tướng của người đời, thì bị trở ngại bởi tướng xuất gia, kẹt vào tướng dân thì trở ngại với tướng quan, kẹt vào tướng quan, thì bị trở ngại tướng của dân. Cho nên trong đời có những vị minh quân mà muốn nghe dân, họ phải cởi áo quan, áo vua bỏ một bên và mặc tướng áo của người dân mới thân cận với dân và nghe tiếng nói của dân được.
Như vậy, khi thiền quán sâu, ta thấy danh tướng có phải là tạo nên hạnh phúc hay khổ đau cho con người không? Hoàn toàn không phải. Cái mà tạo nên khổ đau cho con người, làm cho mọi hoạt động của con người bị hạn chế, là do tâm của con người bị dính và kẹt vào danh tướng.
Cái mà tạo nên hạnh phúc cho con người, tạo nên cái vĩ đại cho con người, tạo nên cái đa dụng cho con người, tạo nên cái đa thù cho con người, tạo nên cái rộng lớn cho con người là cái tâm không bị kẹt ở nơi danh tướng.
Tâm không bị kẹt vào nơi danh tướng, nên bất cứ cái danh tướng nào cũng là cái tướng của tâm. Nên, ta làm chủ được tâm, thì ta sử dụng được tướng.
Bồ tát sống với tâm vô trú, nên Bồ tát không bị kẹt vào bất cứ danh tướng nào, do đó đối với bất cứ danh tướng nào Bồ tát cũng có thể tùy duyên sử dụng để làm lợi ích cho cuộc đời. Nên, Bồ tát là những vị sống tự do giữa mọi danh tướng.
(HT. Thích Thái Hòa)
- 86 lượt