Con đường tiến hoá của nhân loại
02/06/2024 - 07:16
Lượt xem: 39 lượt
Lịch sử nhân loại hướng đến sự toàn thiện
Vũ trụ chúng ta sinh ra đã được gần 14 tỷ năm. Đó là quá trình tiến hóa, từ vật chất không có sự sống đến vật chất có sự sống, lên đến đời sống thực vật và tiến hóa lên sinh vật và cuối cùng, trên trái đất này là con người có trí khôn (homo sapiens).
Cuộc cách mạng nông nghiệp của homo sapiens xảy ra cách đây 12.000 năm. Cuối cùng cuộc cách mạng khoa học xảy ra cách đây 500 năm và cho đến con người hiện đại. Những con người hiện đại chúng ta so với cách đây 1.000 năm, chúng ta đã tiến bộ rất nhiều về vật chất, tiến bộ nhiều về kiến thức, nhưng về những đức tính của con người cao cả, những trí huệ, tình thương, sự tự chế, kỷ luật tinh thần để thoát khỏi những tính xấu mang gốc rễ thú vật như tham lam, hiếu chiến, nóng giận, tranh dành, đố kỵ, mâu thuẫn trong tự thân… thì quả thật còn cần tiến hóa thêm nhiều nữa. Nói chung, con người vẫn chưa hoàn tất.
Chính vì lẽ ấy mà đạo Phật vẫn có mặt trong đời sống hiện đại mặc dầu đã xuất hiện cách đây 2.600 năm, và vẫn tiếp tục phát triển ở cả vùng đất ‘cũ’ là phương Đông và vùng đất ‘mới’ là phương Tây. Đạo Phật là một con đường đưa con người đến sự hoàn thiện của chính con người. Con đường ấy không chỉ bắt đầu bằng Đức Phật và những bậc thánh đệ tử của ngài, mà còn trải dài và mở rộng theo lịch sử nhân loại với rất nhiều những bậc thánh đệ tử khác ở các thời đại và ở các quốc gia khác nhau.
Khổ chính là sự bất toàn của con người.
Sự thật đầu tiên trong Bốn chân lý cao cả Phật dạy là Khổ (Khổ đế). Khổ (một nghĩa của khổ là “bất toại nguyện”) nói lên sự bất toàn, còn thiếu sót, còn khuyết điểm của con người. Chúng ta lo âu, nóng nảy, quyết định sai, gây đổ vỡ không đáng có, nông nổi, thiếu kiên nhẫn, phiền muộn cần giải trí, không an tâm, luôn luôn tìm kiếm, nắm bắt…, tóm lại tất cả những thứ được gọi là phiền não, nói lên sự thiếu sót, chưa hoàn hảo của con người mình.
Tiếp theo, sự thật thứ hai là nguyên nhân của khổ (Tập đế). Nguyên nhân của khổ, phiền não, bất an, loạn động, mâu thuẫn trong tự thân,… chính là sự thiếu sót, chưa hoàn hảo của mỗi chúng ta. Sự chưa hoàn hảo, chưa hoàn thiện của chúng ta khiến các phiền não sanh khởi và chúng lọt vào để khuấy đảo tâm.
Sự thật thứ ba là khi tâm hết phiền não, không còn phiền não (Diệt đế). Diệt đế là sự tịch diệt của tâm, vì bản tánh của tâm vốn tịch diệt, không có phiền não nào chạm đến được. Sự tịch diệt vốn có của bản tánh của tâm cũng chính là sự thanh tịnh vốn có của bản tánh của tâm. Không có phiền não khổ đau nghĩa là không còn sanh tử khổ đau, và nói một cách rốt ráo, sự thật rốt ráo là “chưa từng có sanh tử khổ đau”.
Tất cả mọi tông phái đạo Phật, tất cả mọi pháp tu đều có mục đích đạt đến Diệt đế, tức là sự tịch diệt, sự thanh tịnh vốn sẵn của bản tánh sâu xa của tâm. Dù cho mọi pháp môn, mọi đường lối thực hành bề ngoài có vẻ khác nhau, dùng những ngôn ngữ chuyên môn khác nhau, nhưng tất cả đều quy về Diệt đế, tức là sự vắng bặt tất cả những phiền não khổ đau của tâm, sự thanh tịnh vốn không có phiền não của tâm.
Sự thật thứ tư là con đường bao gồm những phương pháp, những đường lối (Đạo đế) để đạt đến Diệt đế, sự bình an vĩnh viễn của tâm.
Con đường từ ngàn xưa và mãi mãi về sau cho đến ngày nào nhân loại hết phiền não, hết khổ đau.
Con đường Phật giáo không nằm riêng ở một vùng nào, một phương nào mà trùm khắp ba cõi, nơi nào có chúng sanh bất toàn và phiền não khổ đau. Con đường này khởi phát từ sự giác ngộ của Đức Phật và được bảo trì gìn giữ, trên căn bản “bất biến tùy duyên” bằng những vị thánh tiếp nối và mở rộng ra với thế giới. Con đường này không chỉ đi cùng lịch sử mà còn dẫn dắt lịch sử. Con đường ấy dẫn dắt loài người đến sự thành tựu tối hậu, sự hoàn thiện tối hậu, vinh quang tối hậu của con người.
Mỗi người Phật tử, dù chỉ là những người bình thường đều có thể đóng góp vào sự sống của con đường bằng sự thực hành nhỏ bé của mình. Chẳng hạn, mỗi khi tụng kinh xong, ngồi thiền xong, chúng ta đều đọc:
Nguyện đem công đức này
Đến khắp cùng tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Như thế tức là chúng ta đóng góp chút ít vào sự sống và sự phát triển của con đường giải thoát và giác ngộ. Chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng chỉ một ý nghĩ tốt lành, một hành vi tốt lành, một hơi thở tốt lành là chúng ta đã đóng góp một phần rất nhỏ vào sự bảo trì và phát triển của con đường mà theo kinh điển là “tốt lành ở giai đoạn đầu, tốt lành ở giai đoạn giữa, và tốt lành ở giai đoạn cuối cùng”.
(Nguyễn Thế Đăng)
Vũ trụ chúng ta sinh ra đã được gần 14 tỷ năm. Đó là quá trình tiến hóa, từ vật chất không có sự sống đến vật chất có sự sống, lên đến đời sống thực vật và tiến hóa lên sinh vật và cuối cùng, trên trái đất này là con người có trí khôn (homo sapiens).
Cuộc cách mạng nông nghiệp của homo sapiens xảy ra cách đây 12.000 năm. Cuối cùng cuộc cách mạng khoa học xảy ra cách đây 500 năm và cho đến con người hiện đại. Những con người hiện đại chúng ta so với cách đây 1.000 năm, chúng ta đã tiến bộ rất nhiều về vật chất, tiến bộ nhiều về kiến thức, nhưng về những đức tính của con người cao cả, những trí huệ, tình thương, sự tự chế, kỷ luật tinh thần để thoát khỏi những tính xấu mang gốc rễ thú vật như tham lam, hiếu chiến, nóng giận, tranh dành, đố kỵ, mâu thuẫn trong tự thân… thì quả thật còn cần tiến hóa thêm nhiều nữa. Nói chung, con người vẫn chưa hoàn tất.
Chính vì lẽ ấy mà đạo Phật vẫn có mặt trong đời sống hiện đại mặc dầu đã xuất hiện cách đây 2.600 năm, và vẫn tiếp tục phát triển ở cả vùng đất ‘cũ’ là phương Đông và vùng đất ‘mới’ là phương Tây. Đạo Phật là một con đường đưa con người đến sự hoàn thiện của chính con người. Con đường ấy không chỉ bắt đầu bằng Đức Phật và những bậc thánh đệ tử của ngài, mà còn trải dài và mở rộng theo lịch sử nhân loại với rất nhiều những bậc thánh đệ tử khác ở các thời đại và ở các quốc gia khác nhau.
Khổ chính là sự bất toàn của con người.
Sự thật đầu tiên trong Bốn chân lý cao cả Phật dạy là Khổ (Khổ đế). Khổ (một nghĩa của khổ là “bất toại nguyện”) nói lên sự bất toàn, còn thiếu sót, còn khuyết điểm của con người. Chúng ta lo âu, nóng nảy, quyết định sai, gây đổ vỡ không đáng có, nông nổi, thiếu kiên nhẫn, phiền muộn cần giải trí, không an tâm, luôn luôn tìm kiếm, nắm bắt…, tóm lại tất cả những thứ được gọi là phiền não, nói lên sự thiếu sót, chưa hoàn hảo của con người mình.
Tiếp theo, sự thật thứ hai là nguyên nhân của khổ (Tập đế). Nguyên nhân của khổ, phiền não, bất an, loạn động, mâu thuẫn trong tự thân,… chính là sự thiếu sót, chưa hoàn hảo của mỗi chúng ta. Sự chưa hoàn hảo, chưa hoàn thiện của chúng ta khiến các phiền não sanh khởi và chúng lọt vào để khuấy đảo tâm.
Sự thật thứ ba là khi tâm hết phiền não, không còn phiền não (Diệt đế). Diệt đế là sự tịch diệt của tâm, vì bản tánh của tâm vốn tịch diệt, không có phiền não nào chạm đến được. Sự tịch diệt vốn có của bản tánh của tâm cũng chính là sự thanh tịnh vốn có của bản tánh của tâm. Không có phiền não khổ đau nghĩa là không còn sanh tử khổ đau, và nói một cách rốt ráo, sự thật rốt ráo là “chưa từng có sanh tử khổ đau”.
Tất cả mọi tông phái đạo Phật, tất cả mọi pháp tu đều có mục đích đạt đến Diệt đế, tức là sự tịch diệt, sự thanh tịnh vốn sẵn của bản tánh sâu xa của tâm. Dù cho mọi pháp môn, mọi đường lối thực hành bề ngoài có vẻ khác nhau, dùng những ngôn ngữ chuyên môn khác nhau, nhưng tất cả đều quy về Diệt đế, tức là sự vắng bặt tất cả những phiền não khổ đau của tâm, sự thanh tịnh vốn không có phiền não của tâm.
Sự thật thứ tư là con đường bao gồm những phương pháp, những đường lối (Đạo đế) để đạt đến Diệt đế, sự bình an vĩnh viễn của tâm.
Con đường từ ngàn xưa và mãi mãi về sau cho đến ngày nào nhân loại hết phiền não, hết khổ đau.
Con đường Phật giáo không nằm riêng ở một vùng nào, một phương nào mà trùm khắp ba cõi, nơi nào có chúng sanh bất toàn và phiền não khổ đau. Con đường này khởi phát từ sự giác ngộ của Đức Phật và được bảo trì gìn giữ, trên căn bản “bất biến tùy duyên” bằng những vị thánh tiếp nối và mở rộng ra với thế giới. Con đường này không chỉ đi cùng lịch sử mà còn dẫn dắt lịch sử. Con đường ấy dẫn dắt loài người đến sự thành tựu tối hậu, sự hoàn thiện tối hậu, vinh quang tối hậu của con người.
Mỗi người Phật tử, dù chỉ là những người bình thường đều có thể đóng góp vào sự sống của con đường bằng sự thực hành nhỏ bé của mình. Chẳng hạn, mỗi khi tụng kinh xong, ngồi thiền xong, chúng ta đều đọc:
Nguyện đem công đức này
Đến khắp cùng tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Như thế tức là chúng ta đóng góp chút ít vào sự sống và sự phát triển của con đường giải thoát và giác ngộ. Chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng chỉ một ý nghĩ tốt lành, một hành vi tốt lành, một hơi thở tốt lành là chúng ta đã đóng góp một phần rất nhỏ vào sự bảo trì và phát triển của con đường mà theo kinh điển là “tốt lành ở giai đoạn đầu, tốt lành ở giai đoạn giữa, và tốt lành ở giai đoạn cuối cùng”.
(Nguyễn Thế Đăng)
- 39 lượt