Dương đức và âm đức

Từ nhỏ chúng ta vẫn thường nghe ông bà căn dặn: “Phải tích âm đức, không cho mình thì cũng là cho con cháu”. Nhưng thế nào gọi là âm đức và dương đức?
 
Thế nào là âm đức, dương đức?

Làm việc tốt để người khác biết gọi là “dương đức”. Dương đức phúc báo nhanh, người ta sẽ ca ngợi bạn, tuyên dương bạn, báo đáp bạn bằng vật chất hoặc khen thưởng biểu dương. Dương đức đã được báo đáp rồi thì sẽ hết.

Làm việc tốt mà không để người khác biết gọi là “âm đức”. Âm đức dù không được ai biết đến, không được ai biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài.

Đừng sợ làm việc tốt thì sẽ phải chịu thiệt. Hành thiện sẽ tích đức, đức ấy vĩnh viễn là của bạn, người khác không thể trộm được, không thể cướp được. Tự mình tu đức thì tự mình được phúc báo, vì đức là một loại năng lượng. Tuy đức nhìn không thấy, sờ không được, nhưng không lúc nào và không nơi nào là không tồn tại.

Dương đức không lâu dài, đa số là tùy theo việc làm tốt mà nhận được phúc báo ngay trong đời. Âm đức tích được lâu, hơn nữa càng tích càng lớn, càng tích càng dày, còn có thể để lại phúc trạch cho cháu con. Do đó làm việc thiện thì nên xuất tự đáy lòng, không nên truy cầu để người khác biết.

Người xưa rất coi trọng âm đức, cho rằng âm đức mới là trân quý, còn dương đức chỉ là một chút hư danh, không có giá trị thực tế đối với sinh mệnh.

Dương ác và âm ác

Làm việc xấu để người khác biết gọi là dương ác. Dương ác khi bị người khác biết là đã báo ứng rồi, sau khi báo hết thì không còn nữa. Những việc xấu đã từng làm thì không nên giấu giếm, bởi càng có nhiều người biết thì càng tốt. Tại sao? Báo hết rồi thì sẽ không còn ác nữa. Do đó Đạo Phật và một số tôn giáo khác đều giảng sám hối, hễ sám hối thì tội nghiệp sẽ dần tiêu tan.

Vậy sám hối là gì? Chúng ta thực sự ân hận về những lỗi lầm mình đã phạm, cảnh tỉnh những hành vi của mình, quyết tâm không làm việc xấu nữa, sửa đổi quy chính tư tâm dục vọng của mình, gắng hết sức làm việc tốt, đó gọi là sám hối chân chính.

Có người tùy ý hành ác, cũng đến giáo đường sám hối, hoặc đến chùa, nhà thờ quyên tặng, sau đó về nhà tiếp tục làm việc ác như xưa. Người như thế thì hễ thời khắc đến, ác báo liền giáng xuống.

Xúi giục thị phi, phỉ báng sau lưng, hủy hoại danh dự người khác, v.v. đều là âm ác. Người làm loại việc ác này nếu tích lại rất lâu mà không hoàn trả, đến lúc quá lớn rồi thì ác báo cũng rất lớn. Lớn nữa thì dẫu phải chịu tội trong địa ngục họ cũng không trả hết.

Âm đức rất quan trọng, làm thế nào để tích âm đức?

Bất kể địa vị xã hội cao hay thấp, có tiền hay không có tiền, chỉ cần trong lòng có thiện lương thì con người sẽ làm việc thiện, làm việc thiện thì tự nhiên sẽ tích âm đức.

Người có quyền có thể điều hành đất nước, làm lợi cho nhân dân, lợi cho quốc kế dân sinh. Giống như Phạm Trọng Yêm khi làm tể tướng đã cứu tế học trò, giảm thiểu lao dịch, dựng các nghĩa điền (ruộng công ích), hành thiện ân trạch khắp thiên hạ.

Người có tiền có thể làm các việc thiện lớn như cứu tế nạn đói, quyên tặng áo rét, mở trường học, cứu giúp trẻ mồ côi, giúp người già không nơi nương tựa và người tàn tật.

Người ít tiền có thể làm việc thiện nhỏ, tùy theo sức của mình mà dùng thiện tâm để giúp đỡ người khác.

Chỉ cần có thiện tâm thì sẽ thấy xung quanh có rất nhiều việc thiện đang chờ bạn: ngồi xe nhường chỗ, quét dọn vệ sinh môi trường xung quanh, nhặt được của rơi trả lại người mất, đối xử với người lễ độ hòa ái, hiếu kính với bề trên, khoan dung với kẻ dưới, v.v. Đó đều là tích âm đức.


Cuộc đời vô thường, chỉ có nghiệp thiện, ác theo thân mình. Tu thiện tích phúc, làm ác rước họa. Vậy chúng ta có nên vì hạnh phúc bản thân và con cháu đời sau mà nỗ lực tích âm đức hay không?

Theo Soundofhope