Giây phút giải thoát

 

Ngài U Pandita có lần hỏi tôi: “Cô có tin lời đức Phật dạy rằng mỗi giây phút tỉnh thức là một giây phút giải thoát không?” Tôi đáp: “Dạ có, con thật sự tin việc đó.” Rồi ông nói: “Cô có nghĩ là chứng nghiệm được điều ấy hay hơn là chỉ tin suông thôi không?”

Tôi đáp: “Dạ, chắc chắn là như vậy!”

Câu hỏi của ngài U Pandita thật ra đã phá tan đi nỗi nghi ngờ của tôi về khả năng giải thoát của mình. Nó giúp tôi đối diện với giáo lý đầy dũng lực của đức Phật: với chính niệm, ta có thể kinh nghiệm được sự giải thoát trong bất cứ một giây phút nào.

Khi ý thức được việc ấy, ta sẽ hiểu rằng bất cứ một kinh nghiệm nào mình đang có, cho dù đau đớn hay dễ chịu, cũng đáng để ta chú tâm đến, vì nó cũng là một cơ hội giải thoát.

Điều đem lại cho ta sự giải thoát là năng lực của chính niệm chứ không phải đối tượng của nó. Chính niệm là một lưỡi gươm có thể chặt đứt bất cứ xiềng xích nào đang trói buộc ta trong giờ phút này.

Một trong những điều mâu thuẫn lớn của cuộc sống là: khổ đau và giải thoát, cả hai đều có thể có mặt ngay bây giờ và ở đây, ngay trong thân này và tâm này. Có hai cụm từ Pali dùng để diễn tả việc ấy: klesa bhumi và panna bhumi. Chữ "bhumi" có nghĩa là địa, vùng đất, nơi chốn phát khởi. "Klesa" có nghĩa là phiền não, những tính chất nào làm cho ta khổ đau, bất mãn. Và "panna" có nghĩa là trí tuệ.

Bhumi lúc nào cũng có mặt qua hình thức của thân và tâm. Cái phân cách giữa klesa và panna chính là chính niệm. Với chính niệm, thân và tâm trở thành một cứ địa của giải thoát và tự do. Thiếu chính niệm, cũng cùng một thân tâm ấy, sẽ trở thành một vùng đất khổ đau.

Đức Phật dạy rằng, bất cứ một người nào dù tầm thường đến đâu cũng có thể giải thoát được, vì chính niệm, nguyên liệu căn bản của giải thoát, bao giờ cũng có sẵn trong mỗi chúng ta. Tùy ở sự chọn lựa của chúng ta mà thôi, ta muốn phiền não - klesa - hay tuệ giác - panna.

Trong kinh có cho ví dụ về một chiếc thùng rác làm bằng đồng. Vì nó là thùng rác dơ bẩn nên chúng ta không dám đụng chạm tới và có ý ghê tởm. Và chúng ta hãy tưởng tượng, cũng cùng với một thứ đồng ấy, người ta đem nấu chảy ra và làm thành những món nữ trang thật đẹp.

Bây giờ, chúng ta nhìn cũng một thứ đồng ấy với sự trìu mến và ưa thích. Rồi bây giờ ta hãy đem chất đồng ấy, đúc thành những hình tượng thần thánh, và chúng sẽ tự nhiên trở thành những đồ vật thiêng liêng, cao quý.

Cũng cùng một thứ nguyên liệu, nhưng khi ta sử dụng vào những mục đích khác nhau, phản ứng của chúng ta cũng sẽ thay đổi theo. Và cũng thế, thay vì xem thường những kinh nghiệm thân tâm, chúng ta có thể coi chúng như là nguyên liệu cho sự giải thoát của mình.

Trên con đường tu tập giải thoát, ta phát triển một khả năng sống an lạc và tĩnh lặng. Chúng ta sẵn sàng phơi bày những khổ đau của mình và học chấp nhận, thương yêu. Chúng ta tập định tâm để thấy được tự tính chân thật của mình. Tất cả chỉ quy tụ về một điểm duy nhất là giải thoát, Niết-bàn, và đó không phải là một mục tiêu viển vông, xa vời.

Mỗi giây phút ta kinh nghiệm mà không bị dính mắc, sân hận và si mê là một giây phút của Niết-bàn. Và giây phút ấy có thể là ngay bây giờ đây.

(Trích ấn phẩm: “Trái Tim Thiền Tập”

Tác Giả: Sharon Salzberg

Nguyễn Duy Nhiên Dịch)