Gieo trồng hạt giống hạnh phúc

Trong kiếp này, chúng ta may mắn đã có được thân người quý giá. Thân người quý giá này rất khó để có được, tuy nhiên, thân người lại rất dễ dàng bị mất đi bất cứ lúc nào. Có được thân người quý giá này chính là kết quả do chúng ta đã tích lũy công đức và thiện hạnh từ vô số kiếp trước.

Phật tử chúng ta là đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chúng ta có cơ hội được thực hành giáo pháp của Đức Phật. Trong cuộc đời của Ngài, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết giảng vô số giáo pháp và đưa ra vô số pháp môn thực hành khác nhau vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Do mỗi chúng sinh có căn cơ và phiền não khác nhau nên chúng ta cần có những giáo pháp khác nhau. Giống như để chữa trị mỗi một căn bệnh đều cần phải tìm đến mỗi phương thuốc riêng, tương tự như thế, chúng ta cần rất nhiều loại giáo pháp với các cấp độ khác nhau.

Nghiệp là những hoạt động của thân, khẩu, ý của mình

Giáo pháp chính của Đức Phật là quy luật về nghiệp. Nghiệp có nghĩa là những hoạt động chúng ta thực hiện bằng thân, khẩu, ý của mình. Tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc và mong muốn tránh khỏi đau khổ, nhưng hầu hết mọi người đều thiếu trí tuệ và lòng từ bi. Do đó, rất ít người hiểu được nguyên nhân thực sự của hạnh phúc và khổ đau. Do vô minh, hầu hết mọi người tạo ra ngày càng nhiều nguyên nhân gây đau khổ cho chính mình. Mọi thứ không bỗng nhiên xảy ra mà không có nguyên nhân vì thế nguồn gốc của tất cả đau khổ là những nghiệp bất thiện này. Nghiệp bất thiện là những hoạt động của thân, khẩu, ý phát sinh ra từ những xúc tình tiêu cực như chấp thủ, sân giận và vô minh, đây là ba căn bản phiền não chính khi một người tạo ra những nghiệp bất thiện, hậu quả luôn luôn là khổ đau, rắc rối hay bất hạnh.
Chư ni cứu trợ động đất tại Nepal

Thiện nghiệp là làm mọi việc với lòng từ bi và tình thương. Chúng ta phải rèn luyện tâm mình để thực hành lòng từ bi và tình yêu thương. Chúng ta phải trưởng dưỡng tâm từ bi thực sự đối với tất cả chúng sinh. Tất nhiên, lòng từ bi có nghĩa mong nguyện tất cả chúng sinh được hạnh phúc và thoát khỏi mọi khổ đau. Nếu không gieo nhân sẽ không bao giờ có quả. Tất cả quả đều xuất phát từ nhân. Ví dụ, để trồng một cây táo, người đó cần phải có những hạt táo. Chúng ta không thể trồng cam từ những hạt táo. Nếu chúng ta trồng hạt cam, những cây cam sẽ lớn lên chứ không phải những cây táo. Mọi thứ đều có nguyên nhân của nó, mọi thứ đều không thể xẩy ra nếu không có nguyên nhân. Chính nhờ những thiện nghiệp mà chúng ta đã tích lũy từ các kiếp trước mà bây giờ chúng ta được tận hưởng những thành quả tốt. Do đó, nguyên nhân của mọi khổ đau là bất thiện nghiệp và nguyên nhân của hạnh phúc là thiện nghiệp. Chúng ta phải cố gắng loại bỏ nhân đau khổ và gieo trồng nhân của hạnh phúc. Cội nguồn chân thật của hạnh phúc không đến từ những điều kiện bên ngoài mà xuất phát từ chính trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta biết an lạc, chúng ta sẽ hạnh phúc. Ngược lại, nếu tâm chúng ta không an lạc, chúng ta sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc.

Thực hành hạnh nhẫn là căn nguyên của an bình và hạnh phúc

Một điều vô cùng quan trọng khác là chúng ta nên thực hành hạnh nhẫn nhục. Nếu bạn không thực hành hạnh nhẫn, mọi chấp thủ, sân giận và vô minh sẽ phá hủy sự an bình, hạnh phúc và mang lại vô số khổ đau cho cuộc sống của bạn. Điều này ảnh hưởng xấu đến chính bạn, bạn bè, gia đình và tất cả chúng sinh. Thực hành nhẫn là nguồn gốc mang lại an bình, hạnh phúc cho cuộc sống của bạn và tất cả chúng sinh. Điều này đến từ chính những suy nghĩ tích cực của bạn. Để đạt được tâm an lạc, điều cần thiết là bạn nên trưởng dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương và hướng những phẩm hạnh này tới tất cả chúng sinh. Lòng từ bi và tình yêu thương chân thật là tinh túy của tâm Bồ đề, là động cơ hành động cho tất cả chư Bồ Tát. Tâm Bồ đề hay lòng từ bi là mong nguyện cho tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi biển khổ luân hồi và nhờ đó chứng ngộ Niết Bàn. Niết Bàn có nghĩa là an lạc và hạnh phúc. Hành giả nên quán tưởng rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ mình trong kiếp trước. Nhờ đó, một cách tự nhiên hành giả sẽ phát khởi tâm tha thiết chân thành muốn giúp họ giải thoát khỏi biển luân hồi. Đây mới là lòng từ bi và tình yêu thương chân thật.

Hiện tại, tình yêu thương và lòng từ bi của chúng ta còn thiếu khuyết, vẫn bị hạn chế và có điều kiện. Chúng ta yêu thương, hay có lòng từ bi với ai đó bởi vì họ là người thân, bạn bè hay gia đình mình. Lòng từ bi và tình yêu thương như vậy về căn bản rất ích kỉ và không phải là lòng từ bi chân thật. Tình yêu thương và lòng từ mẫn chân thật phải hướng tới tất cả tất cả chúng sinh không trừ một ai, không chỉ là gia đình hay bạn bè mình mà thôi. Cũng giống như tình thương và lòng từ bi bao la của người mẹ dành cho những đứa con của mình luôn chan trải, ắp đầy, không phân biệt dù đứa con có tốt hay xấu. Cũng như vậy, chúng ta phải thực hành lòng từ bi và tình yêu thương bình đẳng đối với kẻ thù cũng như đối với bạn mình. Chúng ta phải rèn luyện tâm của mình để trưởng dưỡng Bồ đề tâm theo cách này. Vì thế, mọi người phải thực hành hạnh nhẫn. Tôi thỉnh cầu tất cả các bạn hãy lưu tâm đến những lời giảng ngắn gọn và những lời khuyên cụ thể này và áp dụng chúng vào cuộc sống thường nhật cũng như trong sự tu tập thực hành hàng ngày của mình. Điều này vô cùng quan trọng!


​​​​​​​(Đức Kyabje Zigar Choktrul Rinpoche - Trích “Những hành giả Yogis của truyền thừa Drukpa”)