Khi Sân Giận Trở Thành Thói Quen

Giận dữ là bệnh dễ lây cũng như dễ trở thành thói quen xấu. Cảm xúc này thường phát khởi dưới ảnh hưởng của ký ức hay những trải nghiệm quá khứ và cũng đồng thời được nuôi dưỡng bởi bản ngã và những yếu tố ngoại cảnh. Trước đối tượng hay hoàn cảnh nhất định, cảm xúc này được kích hoạt, giống như que diêm được châm cho bùng cháy. Chẳng hạn, bạn được giáo dưỡng bởi những bậc cha mẹ nóng tính, hay cáu giận nên dần dần bạn noi theo gương xấu của họ, thường xuyên cãi vã to tiếng trong gia đình vì những điều nhỏ nhặt nhất. 
Một phần bạn cho rằng nếu không lớn tiếng thì không ai sẽ chịu nghe mình. Hoặc có thể bạn cũng chẳng hiểu rõ nguyên do cơn giận dữ bốc đồng của mình. Bình thường, bạn vốn là người điềm tĩnh, vui vẻ nhưng khi gặp những điều bất như ý, những trải nghiệm ngược với giá trị và chuẩn mực của bản thân, hoặc thấy mình bị ai đó chỉ trích thì lập tức tất cả sự an ổn, hòa nhã của bạn liền biến mất, thay vào đó, cơn sân giận bùng phát.

Hãy suy ngẫm, quán chiếu về sân giận để có thể dần dần hiểu được nguyên nhân và cách vận hành sinh diệt của nó. Đó có thể là lớp vỏ bọc phòng thủ của cái tôi dễ tổn thương, sự chấp nhặt hay những định kiến cứng nhắc của bạn trước một vấn đề.
 
Khi cơn giận xuất hiện đừng đè nén nó hay tự làm khổ bản thân. Cơn giận không phải là thứ bạn có thể chôn chặt trong lòng vì nó sẽ dày vò, lấn át khiến bạn thêm bức bách, đau khổ. Cách tốt nhất là để nó đến một cách tự nhiên, đợi cho nó lắng xuống rồi tự tan đi. Những lúc vui vẻ, bạn nên dành thời gian suy ngẫm về những lý do khiến bạn giận dữ và những thói quen của bạn. Khi trở nên hiểu biết và sáng suốt hơn, bạn có thể nhận thấy rằng nhiều điều nhỏ nhặt trước đây thường dễ khiến bạn nổi cáu đã mất dần hiệu lực và sự ảnh hưởng đối với bạn. Khi buông bỏ dần những bám chấp, hạ thấp dần bản ngã và nhìn thế giới xung quanh với con mắt trân trọng, khoan dung, bạn sẽ thấy vạn vật trở nên tươi mới và chính mình cũng bớt đi những phản ứng hấp tấp, nóng vội. Khi tâm được truyền nguồn cảm hứng mới mẻ, bạn có thể tiếp cận các “vấn đề” một cách sáng tạo, sẽ tích cực kiếm tìm giải pháp thay vì chỉ kêu ca phàn nàn.
Liệu bạn có sẵn lòng từ bỏ những định kiến và thói quen kiên cố của mình để tạo ra sự thay đổi tích cực? Trước đây, bạn thường giận dữ khi thấy đám thanh niên khu phố xả rác bừa bãi ngoài đường nhưng lại không có hành động gì vì tâm lý ngại va chạm hay cảm thấy việc góp ý này là vô ích. Bây giờ, bạn hãy hãy khéo léo trao đổi và tìm cách khơi gợi ý thức để các bạn trẻ thay đổi cách hành xử. Hãy vượt lên những phán xét và bực tức thông thường để tạo ra sự khác biệt. Đó chính là cơ hội tốt đẹp để thực hành tâm từ bi trong đời sống thường nhật…
 
Chúng ta thường tìm kiếm hạnh phúc không đúng chỗ, thường mong cầu hạnh phúc ở những thứ không phải của mình mà chẳng hề nhận ra rằng hạnh phúc đang hiện tồn ngay đây, với những gì chúng ta đang có trong cuộc sống này. Tương tự như vậy, nếu biết vượt qua cơn giận dữ, bạn sẽ thấy lòng từ bi luôn hiện diện, chẳng khác gì lật một đồng xu. Tôi và bạn có thể giận dỗi, chối bỏ nhau trong nhiều năm vì một sự hiểu lầm, nhưng chỉ cần nhận ra giữa chúng ta luôn luôn có điểm chung để chia sẻ, khi đó hạt giống của sự cảm thông sẽ nảy mầm trong mỗi người giúp hóa giải mọi sân hận.
Vì vậy bạn cần tâm niệm rằng sân giận chính là bâc thầy vĩ đại. Đôi khi nó mách bảo bạn nên suy nghĩ, tìm tòi giải pháp ưu việt hơn. Cũng có lúc sân giận giúp bạn hiểu rằng cái tôi của mình còn quá mạnh mẽ, kiên cố và đang “dắt mũi” bạn. Dù sao chăng nữa, hãy lắng nghe cơn giận nhưng đừng để nó kiểm soát bạn. Có lẽ nào bạn muốn hủy hoại cuộc đời quý giá vì thứ xúc tình tiêu cực này?
 
(Trích từ ấn phẩm ‘Giác ngộ mỗi ngày’ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)