An lạc từng bước chân
Chúng tôi vừa hoàn thành viên mãn chuyến hành hương lần thứ sáu triều bái thánh địa tại đất nước Sri Lanka tươi đẹp. Như các bạn biết đấy, quãng thời gian hạnh phúc dường như luôn trôi qua thật nhanh. Chuyến hành hương đầy an lạc của chúng tôi cũng vậy, trôi qua thật nhanh chóng. Thậm chí tôi không nghĩ rằng sao chuyến đi lại kết thúc sớm đến vậy. Vì thế, như đã nhiều lần chia sẻ với các bạn, chúng ta cần biết trân quý tri ân mọi mối liên hệ nhân duyên mà chúng ta đã kết nối và cần nỗ lức hết mình tận hưởng những khoảnh khắc được ở bên nhau. Cuối cùng, một ngày nào đó, chúng ta ai rồi cũng sẽ phải chia xa, dù bằng cách này hay cách khác
Trong mỗi chuyến hành hương, chúng ta đều trải nghiệm muôn vàn những gian nan khó nhọc và thách thức khác nhau, có thể là vấn đề về thời tiết, độ cao, thực phẩm, hoặc liên quan đến mối quan hệ giữa mình và mọi người, với thiên nhiên, hay có thể là với chính bản thân mình. Tôi muốn khuyên các bạn một điều là “Hãy nên tập trung vào vấn đề của mình thôi” bởi lẽ riêng bản thân mỗi người chúng ta, dù bên trong nội tâm hay cuộc sống bên ngoài đã ngổn ngang rất nhiều vấn đề cần giải quyết rồi. Khi bạn không chính niệm tỉnh giác hướng nội mà lại hướng ngoại đến những người, những vấn đề bên ngoài thì tức là bạn đang tự chuốc lấy rắc rối cho chính mình. Hạnh phúc hay khổ đau đều xuất phát từ nội tâm chính mình, không ai ngoại trừ chính bạn mới có thể khiến bạn hạnh phúc, buồn đau, giận dữ và dấy khởi muôn vàn cảm xúc phiền não khác.
Hầu hết chúng ta đều rất giỏi loạn động và chăm chỉ can thiệp vào những chuyện của người khác. Hệ quả là, nhẹ thì chúng ta hay bất hòa và có vấn đề với mọi người, nặng hơn thì có thể gây ra cãi vã ẩu đả. Tệ hại nhất là sẽ xảy ra chiến tranh. Nếu chúng ta đều mong muốn an bình nội tâm và sống trong hòa hợp với nhau thì vô cùng cần phải có một mức độ tự chủ hay giới luật nhất định. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra bất hòa là do chúng ta hay nói quá nhiều, bản thân tôi cũng không phải là ngoại lệ. Khi còn nhỏ tuổi, tôi từng rất khắt khe, trong mắt tôi, chẳng có vị tăng nào đủ phẩm chất, chẳng ngôi tự viện nào đủ hoàn hảo, hết thảy mọi thứ đều khiếm khuyết. Phụ thân tôi luôn nhắc nhở khuyên dạy rằng tôi cần phải chuyển hóa chính bản thân mình, cần thay đổi nhân sinh quan của mình, và quả thực là nhờ sự chuyển hóa nội tâm ấy giúp tôi sống an lạc hơn, ít sân giận hơn bởi lẽ tôi có cái nhìn tích cực hơn rất nhiều.
Dĩ nhiên là tôi từng chứng kiến nhiều việc không được tích cực diễn ra trong suốt chuyến hành hương. Chẳng hạn như, chư ni thì dùng nhiều nước quá và luôn nghiện giặt giũ quần áo bất cứ khi nào có thể; còn chư tăng thì lại dùng nhiều thực phẩm; người nước ngoài thì hay tán gẫu; nhóm thứ hai của các Rinpoche thì chẳng bao giờ đi thẳng hàng và đôi chút thiếu tính kỷ luật… Nếu để tâm đến những chuyện tương tự như thế này thì có lẽ đây sẽ là chuyến hành hương tồi tệ nhất của tôi. Tôi tự nhủ mình rằng: “Thôi nào, cũng không quá tệ hại, họ chỉ hơi quá đà một chút thôi, hãy để họ vui vẻ một chút.” Bằng không, hẳn tôi còn muốn kiểm tra xem thậm chí họ thái miếng khoai tây, bổ quả cà chua, nhặt rau và tự nấu ăn ra sao, cắm lều trại thế nào. Tôi ắt phải quan tâm đến đủ thứ chuyện, sẽ vô cùng bận bịu và không có thời gian làm được việc gì khác. Xét ở một phương diện nào đó, chỉ vì chúng ta quan tâm đến người khác thái quá nên mới để ý xem xét. Xét ở góc độ khác, cũng có thể nói làm như vậy là chúng ta tự chuốc lấy rắc rối.
Vì lòng tốt và quan tâm đến người khác nên đôi khi chúng ta bắt người khác phải làm cái này và không làm cái kia, thông thường chúng ta có khuynh hướng sa lầy vào thói quen này, ngay cả khi đó không phải là trách nhiệm của mình. Vì thế, luôn luôn cần phải biết quay lại chiếu soi bản thân để xem liệu chúng ta có đang quá sa đà đến nỗi trở thành trở ngại cho người khác hay không. Tôi luôn cố gắng tránh điều này. Và nhiều người trong số chúng ta cũng cần phải thực hành như vậy: “Đừng hướng ngoại phán xét tha nhân mà hãy quay vào trong nội tậm và tập trung làm tốt việc của mình đi đã”.
Tuy nhiên, tập trung vào công việc của mình không có nghĩa là thờ ơ và vô minh không biết quan tâm đến người khác. Chúng ta lo tập trung vào công việc của mình để tránh không phán xét người khác, nhưng mặt khác cần phải sẵn sàng ra tay giúp đỡ người bất cứ khi nào họ cần. Cũng giống như bậc làm cha mẹ vậy, luôn canh chừng con nhỏ học đi từ xa mà không can thiệp, để con tự biết xoay sở nỗ lực. Nhưng khi con ngã, cha mẹ luôn ở ngay bên nâng đỡ con thơ. Chẳng hạn như, trong chuyến hành hương, chúng tôi đã không chỉ biết lo chuyện của mình khi một con khỉ cần giúp đỡ. Phía dưới núi đá Sigiriya, thánh địa của Tara, một con khỉ bị thương tìm đến tôi khi tôi đang ngồi dưới một gốc cây. Hẳn những kẻ vô minh nào đó đã từng thắt một sợi dây ngang lưng nó để huấn luyện khỉ làm xiếc kiếm sống nên mặc dù giờ nó đã lớn, sợi dây vẫn còn đó hằn sâu vào thớ thịt tạo nên nhiều vết thương nhiễm trùng trầm trọng gây mủ và nhỏ máu. Tôi nghĩ chắc hẳn vì không chịu nổi đau đớn nên nó đã phải chạy trốn. Tôi không thể chỉ biết lo đến chuyện của bản thân khi con khỉ không phương cứu chữa và nó đang cần giúp đỡ. Chúng ta thường vẫn luôn bận rộn can thiệp vào chuyện của người khác trong khi họ không cần sự trợ giúp, còn đến khi họ cần trợ giúp thì chúng ta lại nói: “Xin lỗi nhé, đó không phải việc của chúng tôi, chúng tôi không thể giúp được gì”. Cho nên lần này, tôi đã yêu cầu Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche chịu trách nhiệm đi tìm con khỉ bị thương vì nó đã bỏ chạy khi tất cả chúng tôi cố gắng bắt để giúp nó cắt bỏ sợi dây. Ngài đã làm được điều phi thường khi ngày nào cũng quay trở lại Sigiriya trong một vài hôm cho đến khi tìm lại được con khi cùng với sự trợ giúp của Phòng Bảo tồn Động vật Hoang dã và Hiệp hội Thanh niên Sri Lanka. Con khỉ tội nghiệp đã được đem đến bệnh viện để điều trị. Nó bị suy thận nên không thể kiểm soát được bàng quang và đường ruột. Vì nó đã phải chịu đựng suy giảm tuần hoàn máu trong suốt hai năm nên bác sĩ cho biết chắc chắn nó sẽ chết trong vòng hai tuần tới nếu chúng tôi không kịp thời cứu sống nó. Con khỉ được giữ lại điều trị trong bệnh viện suốt hai tuần và Nhiếp Chính Vương tới đón nó xuất viện khi đã lành bệnh và mang trả nó về Sigiriya. Tôi thật sự rất vui vì có thể giúp được con khỉ đáng thương và nêu tấm gương về thực hành hạnh tri ân và cứu giúp hữu tình bất cứ khi nào chúng ta có cơ hội.
Như vậy, để có an vui hạnh phúc, trước hết chúng ta cần biết hồi quang phản chiếu, chớ nên hướng ngoại nhìn ra ngoài. Cho nên, có thể nói biết “tập trung vào nội tâm và công việc của mình” là bước khởi đầu để có được bình an.
Chuyến hành hương Pad Yatra Hòa Bình tới Sri Lanka hẳn đã không thể thành công viên mãn nhường vậy nếu thiếu sự hỗ trợ hoàn toàn của chính phủ và nhân dân Sri Lanka. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc, vào buổi lễ kết thúc chuyến bộ hành, tôi đã tặng đất nước Sri Lanka những báu vật tâm linh vô giá gồm ba xá lợi xương của Đức Phật Thích Ca. Bộ báu vật xá lợi này vô cùng đặc biệt. Có những xá lợi không thể sinh thêm, nhưng đây là những viên xá lợi có thể sinh thêm nhờ nguồn năng lực công đức thiện lành tích cực. Trước kia chính bản thân tôi cũng chỉ nghĩ rằng việc xá lợi sinh xá lợi phải xảy ra ít nhất một hoặc hai năm sau. Thế nhưng, ngay trong ngày chúng tôi trao tặng xá lợi cho ngài Tổng thống, lập tức đã xuất hiện thêm một viên xá lợi nữa. Tôi tin rằng đây là điềm cát tường báo hiệu một tương lai tốt lành cho đất nước Sri Lanka.
Ngoài tấm chân tình tiếp đón nồng hậu mà chúng tôi nhận được trong suốt một tháng bộ hành dọc từ miền Nam lên miền Bắc Sri Lanka, chúng tôi còn còn vô cùng cảm động khi được chứng kiến tình thân ái hòa hợp giữa những tôn giáo và sắc tộc khác nhau. Bất cứ khi nào đi ngang qua những khu vực dân cư của người Hồi giáo và Hindu, chúng tôi đều được cung cấp chỗ ở, thực phẩm, nước uống và được chúc nguyện. Không một ai tỏ thái độ giận dữ bất hòa dù hàng trăm người chúng tôi đi qua làng mạc, thị trấn và những thánh địa linh thiêng của họ. Đối với một đất nước từng trải qua ba thập kỷ chiến tranh và bạo động liên miên, tôi từng khó mà tin nổi rằng người dân lại có thể sống với nụ cười rạng rỡ và vị tha đến vậy. Dọc khắp từ Nam ra Bắc những nơi chúng tôi đi qua, nếu thực sự có những sự việc gì tiêu cực xảy ra thì chính quyền cũng khó mà che giấu được chúng tôi. Chúng tôi được tự do giao lưu tiếp xúc với bất cứ người dân nào. Tôi đã đặt câu hỏi với nhiều người tại sao họ có thể vượt lên trên khổ đau và sống an vui sau những gì họ đã từng phải trải qua như thế. Hầu hết mọi người đều trả lời rằng đó là nhờ những vị Tăng sĩ Phật giáo đã giảng dạy những giáo pháp về quy luật nhân duyên nghiệp báo, về lòng tri ân, về đức tính bao dung độ lượng và vị tha. Tôi biết rằng rất nhiều bằng hữu và học trò của tôi không có niềm tin và nghi ngờ Pháp Phật, nhất là luật nhân quả. Nhưng như tất cả chúng ta đều thấy rất rõ ràng, ở Sri Lanka giáo pháp có giá trị quan trọng như thế nào đối với những người dân từng phải chịu đựng nỗi thống khổ suốt ba mươi năm chiến tranh. Mỗi sáng, những bậc cha mẹ đã từng luôn phải cảnh báo con nhỏ rằng có thể con sẽ không thể quay trở lại, rằng con sẽ có thể bị sát hại bất kỳ lúc nào trong những cuộc khủng bố đẫm máu. Họ dạy con trẻ cần làm theo Phật Pháp, cần tiếp tục sống với tình yêu thương, với đức nhẫn nhục và với trí tuệ hiểu biết, bởi vì chắc chắn sẽ đến lúc khi nghiệp xấu đã tận diệt, hòa bình sẽ lại ngự trị. Đó là nhờ thực hành hòa nhập Phật Pháp trong đời sống.
Cùng với các vị đại diện đạo Hồi và đạo Phật viếng thăm một ngôi đền Hindu
Sách tấn động viên những vị Tăng sĩ trẻ tuổi
Tôn trọng và tri ân là điều vô cùng cần thiết
Ngài Rohana Kumar Disanayake trao tặng chiếc cốc làm kỷ niệm
Thực chất, những người con Phật như chúng ta mang ơn rất nhiều chư Tăng và Phật tử Sri Lanka. Trong khi ở Ấn Độ mặc dù là quê hương Đức Phật và sản sinh giáo pháp của Ngài, nhưng chúng ta đã đánh mất hầu hết những di sản Phật giáo mãi đến khi Hộ pháp Anagarika đến từ Sri Lanka tới Ấn Độ khôi phục dựng xây lại những thánh địa hành hương linh thiêng. Vì thế, tôi vô cùng hạnh phúc được trao tặng xá lợi xương của Đức Phật mong được bày tỏ tấm lòng tri ân của chúng tôi. Ngài Tổng thống sẽ xây dựng một ngôi bảo tháp tại một thánh địa để thờ phụng xá lợi. Đại diện cho Truyền thừa Drukpa, thẳm sâu từ tâm khảm, tôi đã gửi lời cảm niệm tri ân Ngài, chính quyền và nhân dân Sri Lanka. Cuối cùng, tôi cũng xin được cảm tạ Ban Giáo hội Trung ương của Bhutan đã cử rất nhiều chư Tăng Đại đức tới hỗ trợ chúng tôi trong buổi lễ bàn giao chính thức.
Xin cảm ơn ông Bawa Jain, Tổng thư ký tổ chức Tôn giáo thế giới vì Hòa bình của Liên Hợp Quóc, Michael học trò của tôi, và người bạn của tôi Michelle đã tới trợ duyên cho chúng tôi.
Một con tem kỷ niệm chuyến Hành hương Pad Yatra vì Hòa bình của chúng tôi.
- 117 lượt