Làm thế nào để trau dồi Trí tuệ Cảm xúc

 
Sự thấu cảm giúp chúng ta cải thiện mối quan hệ, phát huy tiềm năng của mọi người


Trước khi phê phán, chỉ trích ai đó, bạn hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ.

Có lẽ bạn đã nhiều lần nghe thấy lời khuyên này. Nó mô tả khá rõ ràng về sự thấu cảm, một phẩm chất nổi bật mà những người có Chỉ số Trí tuệ Cảm xúc (EI hay EQ) cao sở hữu. Đó là khả năng giúp chúng ta nhận biết cảm xúc, hiểu về tác động của cảm xúc để định hướng suy nghĩ và cách hành xử.
Mặc dù hầu hết chúng ta đều thấy khả năng thấu cảm là một phẩm chất căn bản và quý giá của con người, song dường như nó lại thiếu vắng trong cuộc sống hằng ngày. Các nhà quản lý thiếu sự kết nối với nhân viên; Chúng ta có thể dễ dàng làm tổn thương ngay cả những người mà mình yêu thương, đơn giản chỉ vì chúng ta không thể xem xét sự việc từ góc nhìn của người khác.

Một trong những nguyên nhân chính là do chúng ta thường nhầm lẫn sự thấu cảm với một cảm xúc dường như rất tương đồng khác – sự thông cảm. 

Hiểu sự khác biệt giữa thấu cảm và thông cảm.

Thông cảm được định nghĩa trong từ điển Webster là "cảm giác quan tâm, thương xót trước nỗi muộn phiền, bất hạnh hay đau khổ của người khác v.v.", hoặc "một cảm giác muốn hỗ trợ việc gì đó." Ngược lại, sự thấu cảm là "cảm giác thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc mà người khác đang phải trải qua."
Cảm thông là phẩm chất tuyệt vời và vô cùng hữu ích, nhưng vẫn còn hạn chế. Ví dụ, hãy tưởng tượng khi một đồng nghiệp gặp chuyện buồn, như vừa ly hôn hay mất một người thân, lẽ đương nhiên chúng ta thấy thông cảm. Chúng ta có thể gửi thiệp, viết thư động viên, chia buồn hoặc bày tỏ cảm xúc (đôi khi vụng về). Nhưng nói chung, chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi và tiếp tục công việc của mình.

Thể hiện sự thấu cảm cần nhiều thời gian hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chúng ta phải nhớ lại cảm xúc của chính mình nếu đã từng trải qua nỗi đau như vậy hoặc tự hỏi mình sẽ cảm thấy ra sao nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chúng ta cố gắng nhớ lại công việc và các mối quan hệ đã bị ảnh hưởng ra sao. Hơn nữa, chúng ta cố gắng hình dung người bạn, người đồng nghiệp của mình sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống này, và nhận ra rằng mỗi cá nhân sẽ đối mặt với khó khăn theo cách riêng của mình.

Sự thấu cảm giúp chúng ta thấu hiểu mọi người và nhờ vậy mà kỹ năng quản lý, lãnh đạo cũng được cải thiện.

"Khi chúng ta bày tỏ sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với người khác, tâm lý dè chừng, nghi ngại của họ được xả bỏ và nhường chỗ cho những năng lượng tích cực. Đó là lúc chúng ta sẽ trở nên sáng tạo hơn và giải quyết vấn đề tốt hơn." - Stephen Covey

"Thấu cảm là đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận bằng trái tim của họ, nhìn sự việc qua nhãn quan họ. Sự thấu cảm bắt nguồn từ bên trong và giúp thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.”- Daniel H. Pink

Tuy nhiên, không dễ để bày tỏ sự thấu cảm. Vấn đề là chúng ta thường mong muốn mọi người hiểu mình, nhưng lại không sẵn lòng làm như vậy với người khác. Hàng ngày, chúng ta chứng kiến vô số tình huống như vậy qua các cuộc hôn nhân tan vỡ, mối quan hệ cha mẹ - con cái căng thẳng, và những mâu thuẫn, hiểu lầm nơi công sở.

Vậy làm thế nào để bạn có thể trưởng dưỡng sự thấu cảm? Dưới đây là một vài gợi ý, đặc biệt đối với môi trường công sở:



Cố gắng thấu hiểu

Thay vì xem thường vấn đề của người khác và cho rằng họ hay than vãn, hãy cố gắng nhớ lại cảm giác của mình khi gặp một tình huống vô cùng khó chịu gần đây.
Tất nhiên, đôi khi trải nghiệm mang tính cá nhân có thể là rào cản trưởng dưỡng sự thấu cảm. Ví dụ, cùng một tình huống, nhưng nếu chúng ta có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn người khác,  chúng ta có thể nghĩ bụng “Ôi, có chút vậy mà cũng làm quá lên!”
Chìa khóa ở đây là cố gắng liên hệ cảm xúc.

"Điểm cốt yếu là bạn hãy nhớ lại những lúc bạn đã cảm thấy giống như vậy, không nhất thiết phải cùng một tình huống.” Tiến sĩ Hendrie Weisinger, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Trí tuệ cảm xúc trong công việc” chia sẻ: "Nếu có một người nói ‘Tôi vừa có một bài thuyết trình thật tồi tệ', tôi sẽ không nghĩ về lần thuyết trình không tốt trước đây của mình và nghĩ rằng “Có gì ghê gớm đâu!”. Thay vào đó, tôi nhớ lại cảm giác thật tồi tệ khi vừa làm hỏng một việc gì đó quan trọng đối với tôi.”
 
"Thứ bạn cần nhớ lại là cảm xúc tiêu cực bạn đã từng trải qua khi gặp thất bại chứ không phải một sự việc tương tự." Tiến sĩ Weisinger tiếp tục: "Hãy nhớ rằng, bạn sẽ không thể cảm nhận được hoàn toàn trải nghiệm của người khác. Đó là lý do tại sao câu nói ’Tôi biết bạn đang cảm thấy thế nào' thật ngớ ngẩn.”
Nói cách khác, hãy cố gắng thấu hiểu và cảm nhận cảm xúc của người khác từ những lần trải nghiệm của chính mình, từ đó bạn sẽ khởi phát động cơ muốn giúp đỡ họ.

Đặt mình vào vị trí của người khác

Nếu công việc của nhóm đang gặp phải nhiều vấn đề, hãy cố gắng chia sẻ với thành viên đang bất mãn trong nhóm để hiểu rõ hơn về tâm tư của người đó. Liệu có phải sự thay đổi trong công việc là trở ngại hay không?  Đôi khi chỉ 15 hay 20 phút thảo luận cùng nhau có thể giúp bạn cảm nhận được những khó khăn của họ.
Bày tỏ sự thấu cảm bằng cách này cần nhiều thời gian, nhưng với sự quan tâm chân thành, bạn sẽ tạo được động lực tích cực cho người mà bạn đang muốn giúp đỡ.

 Đừng đóng khung định kiến về người khác

Hãy nhớ rằng con người, cảm xúc, và hoàn cảnh luôn thay đổi không ngừng.
Một thành viên trong nhóm của bạn có thể cảm thấy thoải mái khi được tạm thời rút khỏi một số nhiệm vụ nào đó, song bạn không nên nghĩ rằng người đó không thể hoặc không sẵn sàng tiếp tục nhiệm vụ này sau đó. Mặt khác, có thể một vài thành viên khác lại mong muốn được làm những việc này như một cách để né tránh một điều gì đó đang khiến họ khó chịu.

Hãy cởi mở, thường xuyên trao đổi và tiếp nhận thông tin từ đồng nghiệp, và điều chỉnh để thích nghi khi cần thiết.

Hãy thực hành

Sự cảm thông luôn cần thiết mọi lúc mọi nơi, nhưng bạn sẽ đi xa hơn rất nhiều với sự thấu cảm. Trong thực tế, trưởng dưỡng sự thấu cảm sẽ làm nên điều kỳ diệu cho các mối quan hệ của bạn. Tại sao?
Bởi vì trong hầu hết các trường hợp, sự thấu cảm sẽ chiêu vời thêm nhiều thấu cảm. Khi bạn luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác, họ sẽ mong muốn được làm điều tương tự đối với bạn.

Và điều đó giúp phát huy hết tiềm năng tốt đẹp nhất nơi mỗi người và khi đó chắc chắn chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn và sống hạnh phúc hơn.


(Theo www.inc.com)