Làm sao để tri ân khi xung quanh có quá nhiều người vô ơn?
Sự đổ lỗi cho thế giới bên ngoài là do chính bản thân chúng ta chưa đủ cởi mở, bao dung, khỏe mạnh, bởi vậy chúng ta mới đau khổ, dằn vặt. Có một nghịch lý thế này: chúng ta một mặt dành phần lớn thời gian trong ngày để chê bai, đổ lỗi cho mọi người và hoàn cảnh xung quanh, nhưng mặt khác lại đau đáu mong chờ hạnh phúc. Liệu chúng ta có thể hạnh phúc khi tâm luôn đầy ắp phiền não như thế? Chúng ta sẽ bỏ lỡ hành trình hạnh phúc nếu thiếu đi lòng trân trọng tri ân.
Nếu thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn, bạn sẽ giữ được sự điềm tĩnh, kiên định con đường của mình, ngay cả khi những người mà bạn luôn yêu thương che chở bỗng vô cớ quay lưng hay đối xử với bạn như kẻ thù. Chúng ta phải hiểu những điều tồi tệ như vậy là kết quả của những nghiệp nhân xấu ác mình đã gieo trong quá khứ, chứ không phải vì bạn có khiếm khuyết, sai lầm gì. Nghiệp vận hành theo quy luật của nó, nếu nhìn từ hiện tượng bề ngoài, đôi khi nó giống như việc một cây nấm đột ngột mọc lên chẳng từ nơi nào cả. Do không thể lý giải nguyên nhân sâu xa, khi những tình huống bất như ý xảy ra, chúng ta thường vô cùng giận dữ, bực bội.
Trên hành trình tìm cầu giác ngộ, dù khó khăn đến cỡ nào chúng ta cũng không được phép lấy hận thù đáp trả hận thù. Với sự cảm thông, chúng ta có thể hiểu tại sao người khác lại cư xử nghiệt ngã hoặc quay lưng lại với mình. Song nếu cũng đáp trả bằng hành động tương tự thì chúng ta có đâu hơn gì họ? Chúng ta sẽ chẳng rút ra bài học gì cho mình?
Đức Phật cũng dạy rằng khi chúng ta chưa biết bơi, đừng mong cứu người khác. Chúng ta cần lo cho chính mình, phát triển hạnh phúc của chính mình trước khi có khả năng lo cho người khác. Cuộc sống có thể đau khổ nhưng có hàng nghìn thứ tuyệt vời để hạnh phúc, tri ân…. Chính sự trân trọng và tri ân luôn sưởi ấm các mối quan hệ, thậm chí đối với người vô ơn nhất. Hãy chúc nguyện cho người mà bạn gọi là vô ơn ấy thật nhiều hạnh phúc.
Cuộc sống là một hành trình gập ghềnh của những thăng trầm. Nếu không biết tri ân, bạn sẽ không thể trở thành một hành giả chân chính. Đừng phiền lòng nếu người ta đối xử tệ bạc, phản bội hoặc không bao giờ biết “cảm ơn” bạn. Khi biết trân trọng mọi thứ xung quanh mình, từ những trải nghiệm dù là hạnh phúc hay khổ đau, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình đầy ý nghĩa, ngập tràn hiểu biết, hạnh phúc, niềm vui. Bạn sẽ sống với tâm an lạc, mạnh mẽ và vô úy!
(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Tọa đàm “Sống hạnh phúc”, tháng 03/2018)
- 945 lượt