LỰA CHỌN HẠNH PHÚC THAY VÌ KHỔ ĐAU

Ở đâu có sợ hãi thì ở đó có sự sống và ở đâu có bất trắc thì ở đó có những bất ngờ thú vị.

Đức Phật dạy rằng trí tuệ và lòng từ bi cũng giống như đôi cánh của một con chim. Chỉ khi có cả hai cánh phối hợp đồng điệu chúng ta mới có thể bay lên. Nói cách khác, trí tuệ và lòng từ bi có thể được xem như sự hiểu biết và hành động. Tinh túy của mọi giáo pháp cũng chỉ nhằm trưởng dưỡng sự hòa hợp giữa ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Vạn pháp đều bắt đầu từ tâm và do tâm tạo ra, nhưng nếu không biến hiểu biết của mình thành hành động chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu.

Cuộc sống có những điều chúng ta không thể thay đổi hoặc kiểm soát, nhưng lựa chọn hạnh phúc hay khổ đau là hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn không mong muốn cải thiện hạnh phúc của mình thì đó là sự lựa chọn của bạn, nhưng nếu bạn thực sự mong muốn được trải nghiệm một niềm an lạc sâu sắc hơn, trở thành một con người tươi vui hơn, thì bước đầu tiên là quyết định lựa chọn hạnh phúc thay vì khổ đau. Nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng ta đã quá quen với những thứ phiền não không đáng có đến nỗi không có động lực thoát khỏi lãnh địa buồn chán nhưng quen thuộc của mình để tìm chân trời mới.

Hạnh phúc là tự tính sẵn có của chúng ta. Hạnh phúc hiện diện ngay tại đây, vào lúc này nhưng chúng ta cần nhận ra hạnh phúc tại tâm thay vì cả cuộc đời mải miết rượt đuổi thứ hạnh phúc giả tạm bên ngoài.

Lòng biết ơn soi sáng niềm an lạc trong tâm chúng ta. Nó làm lắng dịu những vọng động trong tâm và giúp ta tạm dừng trong phút giây để hồi quang phản chiếu và trân trọng tri ân những gì mình đang có - những thứ chúng ta đang nắm trong tay vốn đủ để chúng ta sống hạnh phúc và ý nghĩa. Điều đó giống như chúng ta lặn sâu xuống phía dưới con sóng để khám phá vẻ đẹp của san hô và sinh vật biển trong lòng đại dương, một thế giới mà chúng ta không thể nhìn thấy từ phía trên.

Con người được sinh ra với trí tưởng tượng vô tận, nhưng qua thời gian chúng ta lại tự tạo tác những quan niệm, định kiến và rồi những quan niệm cứng nhắc đó trở thành lăng kính để chúng ta nhìn ra thế giới. Chúng ta đặt điều kiện và giới hạn cho hạnh phúc của chính mình, tin rằng hạnh phúc là thứ khan hiếm, có hạn. Bởi vậy chúng ta tự hạn chế tiềm năng của mình, áp đặt bản thân và người khác phải như thế này, thế kia. Đây chính là hành động của bản ngã, nó thích đặt mọi thứ vào trong những định kiến.

Vì bám chấp quá mạnh vào danh phận của mình nên tâm chúng ta dần cứng nhắc và nhỏ hẹp. Thay vì thích nghi với con người và hoàn cảnh, chúng ta dễ bị phiền não chi phối với những bức bối, bất an hay sân giận. Ngay khi học cách buông xả và hiểu rằng chúng ta có thể thay đổi, tâm chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận hạnh phúc.

Nhận thức hình thành nên hoàn cảnh sống của mỗi người. Tâm ta tạo nên thế giới và vị trí của chúng ta trong đó. Vì đã quá quen nhìn thế giới dưới lăng kính cá nhân nên ta sẽ thấy khó chịu khi hoàn cảnh xung quanh không tuân theo quan điểm của mình.
Chúng ta thường cho rằng người khác khiến mình bất hạnh hay phá hỏng hạnh phúc của mình. Nếu biết hồi quang phản chiếu, chúng ta có thể quan sát rõ tâm mình và hiểu cách vận hành của nó.

Một khi nhận ra rằng tư tưởng của mình tạo nên cảm nhận của chúng ta về đời sống, ta sẽ hiểu rằng tiềm năng chuyển hóa cuộc sống xuất phát từ cách chúng ta nhìn cuộc đời, và những gì chúng ta có thể làm hôm nay để ngày mai tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, cho dù cố gắng đến mấy thì bản chất của cuộc sống là vô thường và không thể dự đoán trước. Chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra và sự mù mờ ấy gieo mầm cho những nỗi lo sợ trong tâm. Cũng như vậy, những vết thương quá khứ khiến chúng ta bi quan về tương lai khi cho rằng điều tồi tệ có thể lặp lại. Khi lựa chọn hạnh phúc, giải phóng tâm để được hạnh phúc, thay đổi định kiến và trân trọng tri ân cuộc sống mỗi ngày, chúng ta sẽ có cách nhìn mới về nỗi sợ hãi và những bất trắc.

Chúng ta nhận ra rằng ở đâu có sợ hãi thì ở đó có sự sống và ở đâu có bất trắc thì ở đó có những bất ngờ thú vị. Tầm nhìn ấy chính là nền tảng của trí tuệ, hiểu biết ấy chính là bước đầu tiên để chúng ta lựa chọn một con đường chắc chắn dẫn đến hạnh phúc.
 
(Trích ấn phẩm ‘Sống trí tuệ’ – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)