"Luật nhân quả" của Phật giáo dưới góc nhìn khoa học

Trên thế giới, con người dù ở quốc gia nào, vùng đất nào cũng đều có một dạng thể chung, nhưng xét riêng mỗi người thì lại có những dáng dấp và cử chỉ khác nhau, ít ai giống ai.

“Biểu lộ bên ngoài” và “sự hiện hữu bên trong”

Có người dáng dấp và cử chỉ thảnh thơi, sung sướng, có người gắng co ro cúm rúm. Có người trông dáng dấp giống một con thú. Có kẻ có gương mặt như chuột, có người gương mặt giống một con rắn độc dữ dằn, có người đi nhún nhảy như con chi sẻ hay uốn lượn như loài bò sát, có người khi ngồi uy nghi như một con hổ, có người thiểu não, khổ sở, u buồn như bóng ma. Có người từ nhỏ đến lớn luôn luôn gắt gỏng, có người hay sầu bi, rầu rĩ, có người lại ghét cay, ghét đắng có cái gì đó.

Nguyên nhân thường được truy ra từ tiền kiếp, có người ghét màu xanh, có người ghét trẻ con, có người ghét đàn bà con gái, có người thích màu đỏ, có người thích ca hát, có người mê thơ và làm thơ hơn cả mọi thứ, có người thích đi tu từ tấm bé...

Có người khi nằm ngủ co ro khốn khổ lạ lùng, người co quắp, mặt nhăn nhó đau khổ, tay co rút vào ngực hay ôm lấy đầu. Có người khi ngồi dáng điệu ủ rũ như cây khô rụng lá. Có người khi ăn uống có cử chỉ trông giống loài heo.

Có người còn có những cử chỉ sợ sệt, hốt hoảng khi gặp một vài thứ gì đó, như có người thấy con bướm lại sợ, có người sợ nước, có người sợ tiếng động, tiếng cười, có người sợ mùi khói. Có người sợ sợi dây kết lại thành vòng, có người sợ cái khăn màu đỏ... Ở Huế, tại thành nội có bà T.T.L, mỗi lần thấy thân cây nào phân thành 2 nhánh là bà ôm ngực nhắm mắt sợ phát run lên, có người thấy chuột không sợ nhưng lại sợ mèo... Câu hỏi đặt ra là do đâu mà mỗi con người lại có cử chỉ khác nhau một cách lạ lùng như thế?

Từ lâu, các danh sư, các nhà tâm lý, các nhà lý số từ Hippocrate cho đến Lý Thời Trân, Josef Ranald, Nicolas Pende, Gibert Robin, Lepold Velkhover... đều lưu ý đến cá tính của con người. Theo tâm lý học thì cá tính của mỗi người là tấm gương biểu lộ của tâm hồn. Theo các nhà y học thì cá tính còn phát sinh từ bệnh lý, vì thế người bị đau dạ dày đau gan thường hay cáu kỉnh, bực bội gắt gỏng. Cá tính con người còn biểu lộ tùy theo các tuyến nội tiết của cơ thể hoạt động mạnh hay yếu... các nhà nghiên cứu Tây phương đã và đang đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu này, họ cho rằng "có sự biểu lộ từ bên ngoài tức là có sự hiện hữu ở bên trong".

Mới đây, hai nhà nghiên cứu và cá tính con người là Gerard J.Nierenberg và Henry H. Calero đã tận dụng kỹ thuật video để ghi lại các hành động, cử chỉ, tư thế, động tác của mỗi con người để từ đó phân tích nghiên cứu, tìm hiểu những gì ẩn tàng, thâm sâu trong mỗi con người được biểu lộ qua hành vi cử chi... Tuy nhiên, sự nghiên cứu của Gerard J. Nierenberg và Henry H. Calero phần lớn đều tập trung vào lãnh vực tâm lý học chứ không đi sâu thêm vào lãnh vực siêu linh huyền bí của hiện tượng luân hồi tái sinh, tiền kiếp và hậu kiếp như ngày xưa ông Edgar Cayce hay một số nhà phân tâm học và mới đây là tiến sĩ vật lý học Pháp Patrich Drouot đã thực hiện.

Quả báo và tiền kiếp

Theo ông Edgar Cayce (người có khả năng thấy được quá khứ xa xăm hay tiền kiếp của con người) thì những cá tính riêng biệt của mỗi con người như tính tàn bạo, lạnh nhạt... kiên nhẫn, nhân từ, rụt rè, dữ tợn, keo kiệt, dâm đãng... đều có nguyên nhân và nguyên nhân này phát sinh từ tiền kiếp.

Ông Cayce đã có lần "soi kiếp" cho một người đàn ông 60 tuổi. Ông này lúc nào cũng có vẻ khổ sở, dáng điệu hốt hoảng, mặc dầu ông là một người rất giàu có. Cuộc soi kiếp cho thấy tiền kiếp của ông này, là một chủ tiệm cầm đồ keo kiệt, luôn luôn cầm đồ với giá rẻ mạt và lúc nào cũng hồi hộp mong cho người ta đến với mình và mong được món hời. Lúc nào ông cũng tính toán lo âu, hồi hộp, hấp tấp, vội vàng... nổi bật qua dáng dấp và ở kiếp này, dấu vết ấy vẫn còn là dấu ấn trên nét mặt và cử chỉ của ông ta.

Nhà vật lý học Pháp Patrick Drouot cho biết, có lần ông đã khơi dậy tiềm thức của một người đàn ông luôn luôn có cử chỉ lạ lùng là dù đứng hay ngồi đều ở dạng thủ thế như sắp bị ai đánh đập. Kết quả tiền kiếp của ông này là một đấu sĩ chuyên biểu diễn ở đấu trường với người và thú dưới triều đại La Mã còn hưng thịnh. Theo các nhà nghiên cứu về luân hồi, những người khi thấy vật gì đó mà cảm thấy sợ hãi (đôi khi những vật ấy thật sự không có gì đáng sợ cả) là do những người này đã có sự liên hệ nào đó với những sự vật ấy. Như thế có thể họ đã bị nước cuốn đi trong một cơn lũ lụt ở tiền kiếp hay bị mắc kẹt trong một đám cháy đầy khói, hoặc là bà L. ở tiền kiếp đã bị quân giặc treo giữa 2 cành cây để tra khảo...

Tất cả đều có một liên hệ nào đó từ tiền kiếp và ở kiếp này, những hình ảnh quá khứ xa xăm ẩn tàng trong tiềm thức sẽ trỗi dậy mỗi khi gặp hình ảnh tương tự, giống như trong khoa tâm lý học thường gọi là sự liên tại ấn tượng...

Ông Edgar Cayce cho biết: có người suốt đời đầu tắt mặt tối góp nhặt từng đồng xu để rồi hết sức giàu có nhưng luôn luôn ăn uống kham khổ, ăn mặc rách rưới, mở miệng ra là than vãn nghèo khổ và cuối cùng là chết với hai bàn tay trắng.

Có lần ông Cayce đã soi kiếp cho một người có trường hợp tương tự, ông này có nhiều cửa hàng lớn ở New York, tiền kiếp của ông ta là chủ nhân của một cơ xưởng lớn vào những năm 1790. Những người thợ dưới quyền đều bị ông đày đọa, bóc lột công sức và tiền bạc rất trắng trợn, đến độ người làm lụng cực nhọc quá ngã bệnh chết nhưng ông ta chẳng chút đoái hoài thương xót. Ở kiếp này ông nhận hậu quả của luật luân hồi quả báo qua hình thức một kẻ nô lệ vì đồng tiền, làm việc khổ nhọc mà chẳng được tận hưởng gì, đó chính là hình phạt lớn lao đối với ông.

Tuy rằng quả báo không hoàn toàn tương ứng với những gì ông ta đã gây ra từ kiếp trước, nhưng xét cho cùng thì trước đây những người thợ là những kẻ nô lệ mà ông đã đày đọa không hơn không kém. Giờ đây ông lại trở thành kẻ nô lệ không phải của chính những người mà ông ta đã đày đọa mà là của những đồng tiền vô tri vô giác. Tuy nhiên, chính những đồng tiền ấy lại là cái làm ông mất đi lòng nhân đạo với đồng loại.


Đoàn Văn Thông
(Bí ẩn tiền kiếp và hậu kiếp - Nhà xuất bản Tôn giáo)