Muốn ít và biết đủ
02/07/2023 - 07:11
Lượt xem: 312 lượt
“Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”.
Muốn ít và biết đủ tiếng Hán gọi là “Thiểu dục-Tri túc”. Đây là hai khái niệm Phật học được đề cập nhiều trong Kinh tạng, Luật tạng cũng như trong Tạng vi diệu pháp. Bất cứ ai nếu muốn có an lạc và hạnh phúc thì phải sống với tâm muốn ít và biết đủ.
Muốn ít nghĩa là lòng tham dục được chế ngự, được điều tiết và khéo điều phục. Biết đủ nghĩa là bằng lòng với những gì mình hiện có. Từ bỏ lấy của không cho, không vì lòng tham mà não hại người khác. Biết đủ dù gặp hoàn cảnh nào cũng an phận tùy duyên và muốn ít thì không khổ não bản thân và không gây phương hại người khác. Cổ nhân thường nói: “Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao”.
Trong Kinh Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật có nói chi tiết về hạnh muốn ít và biết đủ: “Này các đệ tử, nếu các vị muốn giải thoát mọi đau khổ thì nên thường xuyên tu tập quán biết đủ. Pháp biết đủ là cơ sở của sự an lạc, hạnh phúc và sung mãn. Người biết đủ dẫu nằm trên đất vẫn thấy an lạc. Người không biết đủ dẫu sống ở thiên đường vẫn chưa thấy toại nguyện. Không biết đủ tuy giàu mà rất nghèo. Biết đủ thì tuy nghèo nhưng rất giàu có. Người không biết đủ là kẻ nô lệ của năm thứ dục lạc thấp kém và còn là tấm bia đời đáng thương xót đối với hành giả biết đủ. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thư thái, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn, có ít ham muốn là có Niết bàn”.
Con người khổ là vì không biết đủ và không có muốn ít. Tham đắm càng nhiều thì khổ não càng nhiều hơn. Sự tham muốn quá độ, làm cho lòng người xao xuyến, mất hết cả tự chủ và chỉ còn là nô lệ cho những thèm muốn của mình. Một khi đã bị lòng tham dục điều khiển thì con người gây không biết bao nhiêu tội lỗi, dám làm những chuyện hung ác mà chẳng gớm tay. Lại chính vì lòng tham muốn không ngằn mé mà mình không tự nhận biết, nên đến khi muốn mà không được thì đổ lỗi cho người, nhân đó sinh ra cạnh tranh, xung đột, làm cho nhân loại chịu lắm điều tàn hại. Lòng tham muốn quá độ, làm cho con người tối mắt trước những sự phải, trái thúc đẩy người đời vào đường tội lỗi. Chẳng hạn một kẻ không có năng lực, đạo đức mà muốn được giàu có lớn và quyền thế to, thì có thể dùng những mưu mô gian xảo, đen tối, dã man để đạt ý muốn của mình.
Lòng tham muốn làm cho ta khổ bao nhiêu, thì Thiểu dục và Tri túc lại làm cho ta an lạc bấy nhiêu. Đó là lẽ đương nhiên. Nhờ “ít tham dục”, nên con ma dục vọng không làm sao xui khiến được mình; nhờ “biết đủ”, nên con quỷ tham lam chẳng có quyền hành sai sử mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất nữa, thì lòng người bắt đầu tự do, giải thoát. Chỉ khi ấy con người mới có thể tự cho là mình có hạnh phúc được; và dù cho thường ngày vẫn cơm canh đạm bạc, cũng vẫn thấy trong lòng thơ thới, an vui. Hơn nữa, nhờ Thiểu dục và Tri túc mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Lợi ích của Thiểu dục và Tri túc thật không sao kể xiết được.
Người ngoài đời và trong đạo, muốn được hạnh phúc chân thật, thì nên tu hạnh “Thiểu dục” và “Tri túc”, ít so sánh, được nhiều an lạc. Muốn tránh khỏi tai nạn trong gia đình và xã hội, mỗi người trên thế gian này đều phải giữ phận thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. Muốn có hoà bình trên thế giới này, thì cũng không ngoài cái hạnh “Thiểu dục” và “Tri túc” mà được .
Trong kinh Thuỷ Sám có câu tương tự như kinh Di Giáo: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đó là lý do vì sao có người giàu nhưng vẫn không tìm được hạnh phúc, có người bình thường, không giàu có lại hạnh phúc tràn đầy. Một vài trăm ngàn đồng đối với người nghèo đã là đủ cho một ngày, nhưng với người giàu một vài triệu đồng vẫn chưa là đủ. Điều này chúng ta thấy rằng, thiếu thốn hay đầy đủ không chỉ phụ thuộc vào vật chất, mà nó phụ thuộc vào tư tưởng hay cách suy nghĩ của chúng ta.
Đây là lý do vì sao Đức Phật dạy hạnh Thiểu dục tri túc cho hàng đệ tử. Thiểu dục tri túc không kìm hãm sự phát triển của bất kỳ ai, cách sống này là để đối trị với lòng tham không đáy, lòng tham gây ra phiền não không có điểm dừng mà chúng ta – những con người hiện đại đang bị vướng phải. Thiểu dục tri túc là một sắc thái tâm lý sống, là lối sống cao đẹp mà con người nên hướng đến.
(Thích Trung Định)
Muốn ít và biết đủ tiếng Hán gọi là “Thiểu dục-Tri túc”. Đây là hai khái niệm Phật học được đề cập nhiều trong Kinh tạng, Luật tạng cũng như trong Tạng vi diệu pháp. Bất cứ ai nếu muốn có an lạc và hạnh phúc thì phải sống với tâm muốn ít và biết đủ.
Muốn ít nghĩa là lòng tham dục được chế ngự, được điều tiết và khéo điều phục. Biết đủ nghĩa là bằng lòng với những gì mình hiện có. Từ bỏ lấy của không cho, không vì lòng tham mà não hại người khác. Biết đủ dù gặp hoàn cảnh nào cũng an phận tùy duyên và muốn ít thì không khổ não bản thân và không gây phương hại người khác. Cổ nhân thường nói: “Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao”.
Trong Kinh Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật có nói chi tiết về hạnh muốn ít và biết đủ: “Này các đệ tử, nếu các vị muốn giải thoát mọi đau khổ thì nên thường xuyên tu tập quán biết đủ. Pháp biết đủ là cơ sở của sự an lạc, hạnh phúc và sung mãn. Người biết đủ dẫu nằm trên đất vẫn thấy an lạc. Người không biết đủ dẫu sống ở thiên đường vẫn chưa thấy toại nguyện. Không biết đủ tuy giàu mà rất nghèo. Biết đủ thì tuy nghèo nhưng rất giàu có. Người không biết đủ là kẻ nô lệ của năm thứ dục lạc thấp kém và còn là tấm bia đời đáng thương xót đối với hành giả biết đủ. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thư thái, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn, có ít ham muốn là có Niết bàn”.
Con người khổ là vì không biết đủ và không có muốn ít. Tham đắm càng nhiều thì khổ não càng nhiều hơn. Sự tham muốn quá độ, làm cho lòng người xao xuyến, mất hết cả tự chủ và chỉ còn là nô lệ cho những thèm muốn của mình. Một khi đã bị lòng tham dục điều khiển thì con người gây không biết bao nhiêu tội lỗi, dám làm những chuyện hung ác mà chẳng gớm tay. Lại chính vì lòng tham muốn không ngằn mé mà mình không tự nhận biết, nên đến khi muốn mà không được thì đổ lỗi cho người, nhân đó sinh ra cạnh tranh, xung đột, làm cho nhân loại chịu lắm điều tàn hại. Lòng tham muốn quá độ, làm cho con người tối mắt trước những sự phải, trái thúc đẩy người đời vào đường tội lỗi. Chẳng hạn một kẻ không có năng lực, đạo đức mà muốn được giàu có lớn và quyền thế to, thì có thể dùng những mưu mô gian xảo, đen tối, dã man để đạt ý muốn của mình.
Lòng tham muốn làm cho ta khổ bao nhiêu, thì Thiểu dục và Tri túc lại làm cho ta an lạc bấy nhiêu. Đó là lẽ đương nhiên. Nhờ “ít tham dục”, nên con ma dục vọng không làm sao xui khiến được mình; nhờ “biết đủ”, nên con quỷ tham lam chẳng có quyền hành sai sử mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất nữa, thì lòng người bắt đầu tự do, giải thoát. Chỉ khi ấy con người mới có thể tự cho là mình có hạnh phúc được; và dù cho thường ngày vẫn cơm canh đạm bạc, cũng vẫn thấy trong lòng thơ thới, an vui. Hơn nữa, nhờ Thiểu dục và Tri túc mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Lợi ích của Thiểu dục và Tri túc thật không sao kể xiết được.
Người ngoài đời và trong đạo, muốn được hạnh phúc chân thật, thì nên tu hạnh “Thiểu dục” và “Tri túc”, ít so sánh, được nhiều an lạc. Muốn tránh khỏi tai nạn trong gia đình và xã hội, mỗi người trên thế gian này đều phải giữ phận thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. Muốn có hoà bình trên thế giới này, thì cũng không ngoài cái hạnh “Thiểu dục” và “Tri túc” mà được .
Trong kinh Thuỷ Sám có câu tương tự như kinh Di Giáo: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đó là lý do vì sao có người giàu nhưng vẫn không tìm được hạnh phúc, có người bình thường, không giàu có lại hạnh phúc tràn đầy. Một vài trăm ngàn đồng đối với người nghèo đã là đủ cho một ngày, nhưng với người giàu một vài triệu đồng vẫn chưa là đủ. Điều này chúng ta thấy rằng, thiếu thốn hay đầy đủ không chỉ phụ thuộc vào vật chất, mà nó phụ thuộc vào tư tưởng hay cách suy nghĩ của chúng ta.
Đây là lý do vì sao Đức Phật dạy hạnh Thiểu dục tri túc cho hàng đệ tử. Thiểu dục tri túc không kìm hãm sự phát triển của bất kỳ ai, cách sống này là để đối trị với lòng tham không đáy, lòng tham gây ra phiền não không có điểm dừng mà chúng ta – những con người hiện đại đang bị vướng phải. Thiểu dục tri túc là một sắc thái tâm lý sống, là lối sống cao đẹp mà con người nên hướng đến.
(Thích Trung Định)
- 312 lượt