Ông hoàng lưu lạc
Ngày xửa, ngày xưa có một vị hoàng tử chào đời trong sự vui mừng vô hạn của đức vua, hoàng hậu và thần dân cả nước. Cậu bé vương giả này lớn lên trong cung vàng điện ngọc, giữa sự cao sang tột đỉnh cũng như những nghi lễ rắc rối nhất trần đời của hoàng gia.
Như một mầm xanh thiếu nắng, vị hoàng tử thơ bé này đâm ra khao khát được chơi đùa chạy nhảy như bao nhiêu chú bé dân dã cùng trang lứa khác nghịch đất, tạt nước, tung bụi vào bạn bè, la cà trên các hang cùng ngõ hẻm, đầu trần chân trụi chạy rong giữa phố phường. Cậu sẵn sàng đánh đổi cả ngai vàng để lấy một ngày tự do, thoát khỏi cặp mắt lạnh lùng của quan thái sư, sự canh phòng cẩn mật của quan thái giám, vòng dây của ngự lâm quân cũng như sự chăm sóc đến độ phiền toái của đám cung nữ đoanh vây.
Ngày tháng trôi qua. Hoàng hậu lìa trần lúc hoàng tử còn thơ bé quá. Ðức vua lại lâm bệnh nặng, việc chăm sóc dạy dỗ hoàng tử được giao cho quan thái sư lớn tuổi, uy nghiêm và rất mực khó tính. Như một cánh chim phượng hoàng non dại, hoàng tử thường ngồi hàng giờ bên trang sách học tỳ tay vào cửa sổ của chiếc lồng son thả hồn mơ mộng đến ngày một cuộc tung cánh viễn du giữa bầu trời rực sáng.
Cái ngày chờ đợi ấy đã đến. Hoàng tử đổi y phục lẫn chỗ ở của mình cho một cậu bé ăn xin mà định mệnh đã xếp đặt cho hai chú bé giống nhau như đúc. Và chim phượng hoàng đã tung cánh trong một buổi chiều lặng gió.
Vừa bước chân ra khỏi cổng hoàng cung, hoàng tử đã vỡ lẽ ra rằng cuộc đời của một chú bé thường dân không tự do và tươi đẹp như cậu lầm tưởng. Khi cởi bỏ lớp áo cao sang xinh đẹp của một ông hoàng thì cậu đã cởi bỏ luôn tất cả uy quyền cùng lợi lộc mà địa vị đã dành cho cậu từ tấm bé. Bị tổn thương nặng nề, hoàng tử vội vã quay lại hoàng cung nhưng đã quá muộn. Trong lớp áo ăn mày, chú bé có nguồn gốc vương giả chỉ nhận được những cái tát tai của bọn lính ngự lâm gác cổng.
Trận đòn đầu tiên trong đời là cho cậu bé nổi giận đến phát điên lên được. Nhưng cơn thịnh nộ của cậu chỉ làm khách bàng quan thương hại, kẻ qua đường ngạc nhiên, bọn trẻ con tò mò trêu chọc và sau cùng hoàng tử đành từ giã cung điện với những lằn roi ngang dọc trên thân hình cùng tâm hồn ấu thơ của cậu.
Từ đó, hoàng tử bắt đầu sống một cuộc đời lưu lạc, lang thang của một kẻ ăn mày, cũng đầu trần chân trụi, y phục tả tơi, ăn bờ ngủ bụi như bao nhiêu kẻ vô gia cư khác, có khác chăng là lúc nào lòng dạ chú bé cũng nôn nóng nhớ đến phụ hoàng đang lâm bệnh nặng và chú bé không tài nào nuốt trôi được những thức ăn của khách hảo tâm.
Rất mực chân thành, hoàng tử nói cho tất cả thần dân mà chú được diện kiến rằng mình sẵn sàng chia đôi vương quốc cho ai nếu đưa được chú bé trở về hoàng cung, nơi mà chiếc ngai vàng và những uy quyền tột đỉnh đang chờ chú bé. Nhưng ngoài hoàng tử ra, không có một ai tin lời chú. Mọi người đều trêu chọc và đối xử với chú bé như một thằng điên.
Bạn thân mến!
Câu chuyện ông hoàng lưu lạc này còn rất dài với nhiều tình tiết ly kỳ hồi hộp và không kém phần hấp dẫn, những điều đó bạn có thể đọc thẳng vào các chuyện cổ tích. Riêng trong phạm vi của trang giấy này, tôi chỉ có thể tóm tắt cho bạn nghe rằng nhờ lòng tự tin không hề lui sụt về nguồn gốc vương giả của mình mà vị hoàng tử đáng thương kia, sau muôn cay nghìn đắng đã trở về hoàng cung, không phải để xin cơm thừa canh cặn nơi nhà bếp, làm một tên quét lá nơi vườn ngự uyển hoặc những chức quan nhỏ quan lớn mà chính là leo lên ngôi cửu ngũ trị vì trăm họ.
Ðã biết bao lần tôi và bạn vô tư đọc đi đọc lại lời phát nguyện trên giữa tiếng chuông nhịp mõ và mùi trầm hương: “Ngày hôm nay con phát tâm không vì cầu cho mình những phúc báu cõi trời, cõi người, con cũng không cầu những quả vị Thanh văn, Duyên giác cho đến những quả vị tạm đặt ra, các địa vị Bồ Tát mà con chỉ cầu ngôi tối thượng thừa vì lợi ích chúng sinh”. Tâm nguyện đó cũng giống tâm trạng của vị hoàng tử lưu lạc trong câu chuyện trên.
Và bạn ơi! Chính nhờ tâm nguyện sắt đá đó, niềm tin không tài nào lay chuyển nổi mà chú bé đã thành công. Chỉ khốn khổ cho bạn và tôi đã quá lâu bị lưu lạc trong dòng sinh tử, chúng ta đã quên đi nguồn gốc giác ngộ của mình. Nếu bộ y phục rách rưới kia đã làm cho vị hoàng tử bị nhạo báng khi chú nói về nguồn gốc cao sang của mình, thì những tâm niệm xấu xa như tham lam, sân hận, tật đố, dối trá đã làm cho thế nhân cười vào mũi chúng ta, khi ta tự xưng là Phật tử. Và đau đớn nhất là sau chuỗi ngày dài phiêu bạt, khố rách đói cơm, chúng ta cũng không dám tự tin nơi mình nữa. Chúng ta chỉ cầu sao cho mình được cơm no áo ấm, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng là những phúc báu vụn vặt nơi cõi nhân thiên. Cùng lắm là chúng ta mơ ước được chứng một quả vị nào đó thấp nhất trong tứ quả Thanh văn như Tu Ðà Hoàn chẳng hạn để bảo đảm rằng dòng luân hồi sẽ chấm dứt, để chúng ta được nghỉ mệt sau những ngày cát bụi phiêu linh. Còn những gì cao xa hơn thì phận hèn nào có dám mơ. Có phải thế không bạn? May mắn thay chúng ta có một phụ hoàng rất đỗi từ bi. Ngài đã không ngớt kêu gọi nhắn nhủ, sai người tìm kiếm gọi chúng ta về và lời phát nguyện trên đây là một thông điệp mà Ðức Phật đã nhờ chư Tổ chuyển đến cho chúng ta. Trở ngại duy nhất và lớn lao nhất là tôi và bạn không còn niềm tin nơi khả năng giác ngộ của mình nữa. Chúng ta nghe nói về chân tâm thường còn, về Pháp thân bất sinh bất diệt không hề ô nhiễm vì trần lao của mình. Nhưng dường như lúc nào chúng ta cũng đối mặt bắt gặp phải những hình dạng méo mó khó ưa, xảo quyệt của vọng tâm. Ðó là lý do tại sao chúng ta không dám trở về hoàng cung, hay nói đúng hơn là không dám tin mình có khả năng giác ngộ, có Phật tính. Bạn có thấy như thế không?
Thế thì chần chờ gì nữa mà chúng ta không bắt đầu quay về hoàng cung, nơi người cha thân yêu đang chờ mong. Ðường về có thể là còn lắm chông gai. Nhưng hỡi ông hoàng bé bỏng lưu lạc kia ơi! Bạn không cô đơn và khốn khổ như ông hoàng trong truyện cổ tích đâu. Vì chung quanh bạn còn có bậc Thầy, thiện hữu tri thức sẵn sàng dìu dắt giúp đỡ bạn. Xin gửi tới bạn, bạn đồng hành của tôi một nụ cười và lời chúc lành. Chúng ta cùng lên đường nhé!
(Nguồn: “Hư hư lục”
Tác giả: Thích Nữ Như Thủy)
- 157 lượt