SÂN GIẬN LÀ KẺ THÙ LỚN NHẤT

Trong thế giới của chúng ta, sân giận chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến căng thẳng cả bên trong lẫn bên ngoài. Cho dù bộc lộ ra bên ngoài hay ngấm ngầm ở trong, sân giận sẽ tạo ra khổ đau và thậm chí dẫn đến chết chóc.
 
Sân giận chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến căng thẳng cả bên trong lẫn bên ngoài trong thế giới này. Cho dù bộc lộ ra bên ngoài hay ngấm ngầm bên trong, sân giận sẽ tạo ra khổ đau và thậm chí dẫn đến chết chóc. Nếu đọc các thống kê tội ác trên thế giới, bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết những tội ác này đều bắt nguồn từ một cơn giận dữ hay nỗi oán hận ngấm ngầm đối với người khác.

Sân giận có thể làm gia tăng bạo động, hủy hoại mối quan hệ xóm giềng, mối bang giao giữa các quốc gia, hay thậm chí là mối quan hệ vợ chồng và gia đình. Không phải sự thù ghét mà chính sân giận là kẻ thù lớn nhất trong thế giới này. Nếu ta không hóa giải được sân giận, nó sẽ biến thành lòng thù hận rồi từ đó vòng xoáy của những tổn thương và đau khổ bắt đầu.

Điều may mắn là không phải ai trong chúng ta cũng mất kiểm soát bản thân và để sân giận bộc phát thành hành động tổn hại. Bởi lẽ, thế giới hiện tại đã quá tồi tệ và chúng ta phải chứng kiến quá đủ đau thương rồi. Sân giận có tính lây truyền và dễ trở thành thói quen tập khí, dễ bị hồi ức hay trải nghiệm quá khứ kích động trong những tình huống nhất định. Bản ngã và hoàn cảnh môi trường mà chúng ta đang sống tạo ra điều kiện để những dấu ấn trong quá khứ bùng phát thành cơn giận. 

Khi nhìn thấy một người hay một hành động nào đó, ta bị kích động giống như que diêm được quẹt lửa, tất cả những ký ức cảm xúc trỗi dậy. Ví dụ bạn lớn lên trong một gia đình có cha mẹ rất nóng tính và hay cãi vã. Bạn huân tập thói xấu đó và khi trưởng thành cũng thường tranh cãi gay gắt với mọi người dù chỉ về những việc cỏn con vô nghĩa. Những thói quen huân tập trong quá khứ khiến bạn nghĩ nếu không to tiếng thì chẳng có ai chịu lắng nghe mình.

Có thể bạn không biết cơn nóng giận bất chợt bùng nổ là do đâu. Bình thường bạn là người ôn hòa, bình tĩnh nhưng khi thấy việc chướng tai gai mắt, những cảm xúc an ổn vụt bay mất, bạn không có cách nào để nguôi cơn giận. Hãy nghĩ về cơn giận và bắt đầu thấy cơ chế hình thành nên cơn giận đó. Có những nguyên nhân khiến cái “tôi” dễ tổn thương của bạn vùng dậy phản kháng hoặc những việc đi ngược lại với niềm tin cố hữu của mình.

Việc giải thích cảm xúc sân giận trước khi tìm cách hóa giải là điều rất quan trọng. Sự sân giận ngấm ngầm không khiến bạn trở thành người tốt hơn bởi đó chỉ là một dạng biểu hiện khác của sân giận. Sân giận ngấm ngầm khiến bạn cảm thấy phẫn uất, yếm thế và đẩy bạn đến những trạng thái cảm xúc tiêu cực khác gặm nhấm tâm hồn bạn.

Đừng tìm cách chiến đấu với cơn giận hay chỉ trích bản thân mỗi khi cơn giận xuất hiện. Sân giận không phải là thứ mà bạn cần chôn chặt bên trong để bào mòn tâm hồn. Khi bạn vui vẻ, hãy dành thời gian tìm hiểu xem vì sao bạn sân giận, động cơ và thói quen của bạn là gì.

Khi tỉnh thức hơn, bạn có thể thấy rằng những điều nhỏ nhặt từng khiến bạn tức giận giờ không còn tác động mạnh mẽ lên bạn nữa. Khi dần buông xả bám chấp, buông bỏ bản ngã và thấu hiểu, trân trọng thế giới, bạn sẽ nhận ra mình có thể nhìn vạn vật theo cách khác, giảm bớt những phản ứng nóng nảy với mọi người. Khi có cảm hứng, bạn sẽ giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo hơn, sẵn sàng suy nghĩ về giải pháp thay vì chỉ biết phàn nàn.

Bạn có quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình, gỡ bỏ những thói quen, tập khí tiêu cực không? Khi thấy thanh niên vứt rác bừa bãi, bạn nổi giận nhưng lại thấy bất lực vì không biết nói hay thậm chí không dám nói gì với người đó. Liệu bạn có thể trao đổi với người khác và tìm cách tốt hơn để khuyên răn người này? Hãy nghĩ xem có cách giải quyết nào đơn giản và hiệu quả hơn không? Đó là lúc bạn thể hiện lòng từ bi trong cuộc sống.
 
Chúng ta thường tìm kiếm hạnh phúc nhầm chỗ, ở những nơi không có hạnh phúc, thay vì thấy hạnh phúc trong chính cuộc sống hiện tại của mình. Giống như lật đồng xu, khi lật ngược mặt Sân giận, bạn sẽ thấy lòng Từ bi luôn hiện hữu.

Do không hiểu nhau, nhiều bậc cha mẹ và con cái có thể giận nhau trong nhiều năm trời nhưng chỉ cần nhìn nhận những điểm tương đồng thay vì xoáy vào mâu thuẫn, họ có thể tìm ra cách cư xử hòa thuận.

Bởi vậy, hãy nhớ rằng sân giận cũng chính là người thầy vĩ đại. Một mặt, sân giận là dấu hiệu cảnh báo bạn cần tỉnh táo suy nghĩ thấu đáo về một vấn đề. Mặt khác, sân giận giúp bạn nhận ra rằng bản ngã còn đang kiểm soát mình. Tương tự như vậy, hãy lắng nghe cơn giận nhưng đừng để sân giận kiểm soát và gây ảnh hưởng tiêu cực tới mình và mọi người.
 
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)