Tỉnh thức và chú tâm

 
“Hãy thử sống một ngày thảnh thơi, không bận tâm bởi những điều vụn vặt. Bạn thức dậy thật sớm, nhẹ nhàng dùng điểm tâm, để mọi thứ đến rồi đi, mặc tiếng chuông reo và lũ trẻ khóc quấy. Học cách tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc đang qua bởi thời gian chính là suối nguồn mát lành của cuộc sống.” - Henry David Thoreau
 
Chỉ cần tỉnh thức hơn một chút trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời này dễ chịu và đáng sống hơn nhiều. Sự tỉnh thức nuôi dưỡng lòng tri ân, giúp ta rộng lượng và nhân ái hơn với mọi người, chính điều này sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Khi giữ được chính niệm hay tỉnh thức, chúng ta có thể biến những việc nhàm chán nhất như việc giặt đồ sẽ trở nên thú vị hơn. Nó cũng giúp ta dừng lại để suy nghĩ trước khi phản ứng lại một tình huống, trước khi cơn giận bùng nổ hay trước khi ta buông những lời cay độc thiếu suy nghĩ. Và khi ra quyết định, bạn sẽ đi theo con đường của mình, thong thả lựa chọn nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận bất kể điều gì có thể xảy ra, bởi vì chúng ta đã làm theo tiếng gọi của con tim giác tỉnh.
 

 
Chúng ta không nên trở nên dè dặt và bỏ quên tiếng cười cũng như những giây phút ngẫu hứng trong cuộc sống, hay trở nên chậm chạp trong quyết định và hành động của mình chỉ vì suy xét quá kỹ lưỡng mọi thứ. Chìa khóa của tỉnh thức chính là việc trưởng dưỡng sự giác tỉnh. Thay vì cho tư duy lấn át, bạn hãy để tất cả các giác quan cũng như trái tim mình lên tiếng. Bạn chỉ cần rộng mở lòng mình, hít thở và chăm chú quan sát thế giới xung quanh, trải nghiệm mọi thứ một cách sâu sắc, từ việc đi dạo trong công viên, cho đến ứng phó với người đồng nghiệp khó tính bằng lòng kiên nhẫn và một chút cảm thông, cho dù họ khó chịu thế nào chăng nữa. Hãy áp dụng kỹ năng quán chiếu tâm. Kỹ năng này cần được thực hành mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải cất kỹ trong ngăn tủ bám bụi lâu lâu mới đem ra sử dụng.
 
Khi trưởng dưỡng sự chú tâm hàng ngày, bạn sẽ dần nhận rõ những chi tiết của cuộc sống đồng thời biết quan tâm hơn đến người khác.
 
Ví dụ, khi đi ngang qua một người vô gia cư trên phố, phần lớn chúng ta không buồn để tâm. Chúng ta chẳng quan tâm vì chúng ta không thấy họ. Đôi khi ai đó có thể hơi mủi lòng nhưng đấy chỉ là ý nghĩ thoảng qua. Trên thực tế, chúng ta rất nên xem những tình huống này như những bài pháp về lòng từ bi. Thử tưởng tượng nếu một ngày bị rơi vào hoàn cảnh này, bạn sẽ làm gì? Đừng nghĩ rằng đó là do nghiệp chướng mà hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Khi tháo bỏ tấm vải che mắt mình bấy lâu, ta sẽ đủ can đảm để nhìn ngắm cuộc đời một cách chân thực vô ngã vị tha. Điều này sẽ giúp ta càng trở nên vô úy và mạnh mẽ.

 

Khi chăm sóc một ai đó đang bị ốm nặng, không những ta đang giúp người mà cũng đang chuẩn bị cho mình lỡ một mai bệnh tật xảy đến. Bạn thậm chí có sự chuẩn bị để đối diện với cái chết vì đã có quan kiến đúng đắn và từng thực hành, tư duy thiền quán về ý nghĩa của điều này. Nhờ thế, bạn không còn sợ hãi trốn tránh cái chết trong suy nghĩ và cả trong sâu thẳm tâm hồn.
Một vị Bà La Môn hỏi Đức Phật: “Ngài có phải là Thượng Đế?”
“Không, thưa ông” Đức Phật trả lời.
“Vậy Ngài là một vị thánh?”
“Cũng không phải, thưa ông” Đức Phật trả lời.
“Vậy Ngài là một ảo thuật gia?”
“Cũng không phải, thưa ông” Đức Phật trả lời.
“Vậy Ngài là ai?”
“Ta là sự Tnh thc
 
Chúng ta không thể đòi hỏi bản thân phải biết mọi thứ. Nhưng với sự tỉnh táo chú tâm, ta có thể sáng tỏ nhiều điều. Giả sử bạn yêu ai đó mù quáng, nhưng cô ta lại chẳng yêu bạn chút nào. Nhìn bề ngoài, hai người có vẻ sống bên nhau rất hòa hợp. Nhưng vì một lý do nào đó, cô ta đã sống giả tạo ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Vậy mà bạn không hề biết và ngay cả cô ta cũng chẳng định nghĩa được mình đang ở trong hoàn cảnh nào. Nhìn tình huống này bạn thấy rằng thiếu hiểu biết mang lại rất nhiều khổ đau. Bạn không cần phải vượt qua nghìn dặm hay đọc những bài viết phức tạp để hiểu thế nào là khổ đau, tuy nhiên chỉ cần tỉnh thức lắng nghe trái tim mình, bạn có thể trở nên hiểu biết hơn một chút. Ngay cả khi đọc những dòng chữ này, bạn không nhất thiết phải tuân theo mọi thứ. Hãy cởi mở lắng nghe, suy ngẫm, thử nghiệm và có quyết định cho riêng mình.

“Chẳng ai có thể cho ta lời khuyên tốt hơn chính bản thân mình” – Cicero
 

(Trích ‘Giác ngộ mỗi ngày’ – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)