Trường Sơn ký sự

Trường Sơn, trong ký ức của nhiều thế hệ cha anh, là chiến trường máu lửa, đạn xối bom tuôn, là huyết mạch nối hai miền Nam Bắc suốt bao năm kháng chiến.
 
Trường Sơn, trong tâm trí của những thế hệ thời nay, là con đường chạy xuyên núi rừng, uốn lượn trong cảnh sắc thanh bình tươi đẹp.
 
Trường Sơn, cũng là tên gọi của Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia đặt tại tỉnh Quảng Trị, là sự giao thoa của chiến tranh và hòa bình, là nơi yên nghỉ của 10,333 liệt sỹ. Hơn thế nữa, đây là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường  Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để hòa bình được lập lại trên khắp mọi miền đất nước suốt hơn 40 năm qua.
 
Một buổi chiều cuối xuân vừa qua, đoàn xe chở hơn 100 vị Tăng Ni từ Đại Bảo Tháp Mạn Đà La Tây Thiên tỉnh Vĩnh Phúc và một số chùa lân cận, cùng hơn 500 Phật tử từ Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh miền Bắc, khởi hành từ Hà Nội hướng về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Đoàn xe miệt mài chạy suốt đêm, để chúng tôi đặt chân tới Nghĩa trang lúc 3h rưỡi sáng, vầng trăng hiền hòa vẫn còn treo lơ lửng và mặt đất vẫn còn thấm đẫm hơi sương.
 
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của đoàn tiền trạm và sự giúp đỡ của Ban Quản lý khu Nghĩa trang, nên dù trời còn chưa sáng, đàn Pháp đã được bày dựng trang nghiêm ở khu trung tâm Nghĩa trang, sẵn sàng để thỉnh mời chư vị Tăng Ni cùng Phật tử vào khóa lễ Hỏa tịnh, triệu thỉnh và cúng dường tới chư bách thần hộ pháp và hương linh trong vùng bằng cách đốt các thực phẩm dược liệu trong lửa, tạo thành khói thơm và chú nguyện cho họ được no lòng nhờ việc tiếp xúc với mùi hương. Khóa lễ vừa bắt đầu thì trời quang mây tạnh bỗng chuyển gió mưa vần vũ, đất trời tức khắc như có sự cảm ứng với lòng người, như có sự chiêu cảm mạnh mẽ bởi chư hương linh từ khắp nơi cùng quy tụ về nơi đây dự pháp nghe kinh, đón nhận nguồn ân phúc gia trì của Chư Phật và những lời khai thị của Chư Hiền Thánh Tăng.
 
Kể từ lúc đó, khóa lễ kéo dài miên mật không ngừng nghỉ. Sau bài diễn văn thỉnh Pháp vô cùng cảm động của bác Quang, đại diện Ban Tổ chức, Thầy Thanh Tịnh đã có vài lời khai thị ngắn gọn với đoàn hành hương: “Thiết lập đàn cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sỹ, ngoài tấm lòng tưởng nhớ tri ân những người đã hy sinh thân mình vì tổ quốc non sông, cũng là công hạnh của hàng Phật tử báo đáp Tứ Trọng Ân (ơn Cha Mẹ sinh thành, ơn Tam Bảo, ơn Quốc gia xã hội và ơn Chúng sinh vạn loài). Để sự báo đáp này được lợi lạc nhất, ý nghĩa nhất, vì đoàn hành hương đã không quản đường xá xa xôi đến được nơi này, cũng vì các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc thân mình hy sinh xương máu, nên từng phút giây ở trên đất này đều vô cùng quý giá, đều phải được tận dụng. Phần khóa lễ buổi sáng, đạo tràng sẽ cùng tụng kinh Địa Tạng Vương. Vì đây bộ kinh này dài và thời gian có hạn, để buổi chiều có thể đủ thời gian hoàn thành khóa lễ A Di Đà quán đỉnh cho Chư hương linh, chúng ta sẽ cùng nhau thay phiên đọc bộ kinh này qua bữa cơm trưa”.
 
Y theo lời khai thị của Quý Thầy, bất kể trời gió hắt mưa tuôn suốt buổi sáng khiến mọi người phải ngồi nép vào nhau, dù thân lạnh áo ướt cũng vẫn cố che cho kinh sách, tiếng kinh Phật khai thị vẫn nhịp nhàng và âm vang suốt buổi trưa. Rồi trời nản thôi mưa, nắng lên cao sấy khô sân gạch và bắt đầu hun nóng bầu khí xung quanh như thử thách lòng người, những lời kinh vẫn miệt mài bền bỉ không hề ngưng nghỉ. Đến hơn một giờ chiều, khi khóa lễ Địa Tạng Vương theo truyền thống Đại thừa viên mãn trong niềm hoan hỷ của đại chúng, đất trời cũng như dịu đi với những làn gió mát nhẹ, cây cối như xanh tươi hơn để tùy hỷ công đức đoàn hành hương.
 
Sau nửa tiếng nghỉ ngơi, khóa đại lễ cầu siêu chư hương linh anh hùng liệt sỹ trận vong và đồng bào tử nạn được bắt đầu, với nghi thức triệu thỉnh đức Phật A Di Đà ban quy y và truyền quán đỉnh tới chư hương linh, để  gia trì cho chư hương linh sớm thoát khỏi những ảo tưởng buộc ràng, nương sự trợ giúp che chở tiếp dẫn và ánh từ quang của đức Phật A Di Đà mà xả những chấp trước nghiệp báo, an lành vãng sinh cõi Tịnh độ Tây Phương. Đây là nghi thức cầu siêu đặc biệt theo truyền thống Kim Cương Thừa.
 
Trong suốt thời gian khóa lễ kéo dài hơn 5 tiếng, từng đoàn Phật tử chia nhau đi khắp các khu nghĩa trang, đặt lên từng ngôi mộ những ngọn đèn nến, thắp lên từng ngôi mộ những nén hương trầm, thành kính cầu nguyện để hương linh quy tụ về nơi đây, nương ngọn đèn trí tuệ của Chư Phật, theo khói hương gia trì của Chư Bồ Tát, phát khởi lòng thành kính quy y Tam Bảo và được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về miền Tịnh Độ.
 
Khi khóa lễ kết thúc thì trời cũng vừa sẩm tối. Toàn thể Phật tử lại cùng nhau chung tay cất xếp đồ đạc, dọn dẹp sạch sẽ khu trung tâm, quét sạch những lớp lá khô vừa rụng, để chốn yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ lại thanh tịnh, trang nghiêm.
 
Ngày hôm sau, trên đường quay trở về, đoàn chúng tôi ghé thăm một số địa danh nổi tiếng khác của tỉnh Quảng Trị như Đền Tám Cô, động Thiên Đường, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở mỗi nơi, đoàn đều dừng lại cúng dường khóa lễ Hỏa Tịnh, triệu thỉnh và tạ ơn chư bách thần hộ pháp và hương linh trong vùng đã ủng hộ cho chuyến hành hương và lập đàn cầu siêu của đoàn được vô cùng viên mãn, cầu nguyện cho đất nước được mãi mãi sống trong hòa bình, nhân dân đời đời được ấm no, an lạc.
 
Chuyến đi ngắn ngủi đã khép lại, nhưng sự rung động trong tâm hồn mỗi người khách hành hương vẫn còn âm vang như những vần thơ trong bài Tác bạch Tạ pháp của bác Quang, đại diện Ban Tổ chức:
 
Hôm nay, thiết lập đàn cầu siêu cho hương linh các anh hùng liệt sỹ
Xin gác lại những năm tháng đau thương.
Đất nước ta đã độc lập tự do,
Sông Bến Hải không còn nỗi đau chia cắt,
Đồn giặc, thép gai nay đã cuốn sạch rồi,
Căn hầm sâu không còn là nơi lánh ẩn
Trời đất lại biếc xanh trong quốc độ thanh bình
Trái tim hồng oanh liệt hy sinh
 
Những rung động từ sâu thẳm trong tâm ấy, như tiếng lòng chúng tôi tự nhủ với mình: “Chúng tôi sẽ còn theo gót sen của chư tăng ni, còn quay trở lại đây để đắm mình trong niềm tri ân sâu sắc, để hiểu rõ hơn lời Phật dạy, rằng trên thế gian này vạn pháp đều hữu duyên. Nếu không có sự hy sinh cao cả của những liệt sỹ đang yên nghỉ nơi đây, giờ này chúng tôi chắc cũng không được sống trong niềm an vui tưởng chừng như vô cùng hiển nhiên, giản dị - không phải nghe tiếng đạn lạc, bom rơi!”