Người dẫn đầu bé nhỏ
02/06/2017 - 11:34
Lượt xem: 205 lượt
Bhutan tuy nhỏ bé nhưng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bảo tồn sinh thái và phát triển bền vững.
Từ truyền thống văn hóa độc đáo lâu đời, đến những ngôi tự viên kỳ bí ẩn mình trong rặng tuyết sơn hùng vĩ, Bhutan đầy sức quyến rũ mê hoặc lòng người. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của Bhutan còn phải nhờ đến môi trường sinh thái được bảo tồn nghiêm ngặt với một tầm nhìn đáng nể.
Với dân số chỉ khoảng 780,000 người, đất nước này đang tạo ra những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Là một quốc gia nhỏ bé nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nó có thể dễ dàng bị lãng quên, nhưng trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến và nhìn nhận sự thành công của Bhutan như một tấm gương sáng về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Tên gọi Bhutan mang ý nghĩa “Miền đất Rồng Sấm”. Quả vậy, quốc gia này rất quyết liệt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và để người dân tiếp cận công nghệ hiện đại một cách cẩn trọng và chọn lọc. Năm 2014, chính phủ đã giới thiệu mẫu xe hơi điện cho người dân – đây là một nỗ lực đáng kể nếu bạn biết rằng quốc gia này mới chỉ dỡ bỏ lệnh cấm truyền hình vào năm 1999. Các chính sách ưu đãi thuế được đưa ra để kích cầu sử dụng xe điện.
Với những thành công vững chắc, hiện nay đã có trên mười trạm sạc điện trên cả nước và Bhutan rất lạc quan tin tưởng rằng sẽ trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sử dụng EV - phương tiện giao thông chạy bằng điện. Đây là nỗ lực lớn của chính phủ nhằm đạt mục tiêu giảm 70% lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch (nhiên liệu gây ô nhiễm). Không chỉ dừng lại ở đó, thủ đô Thimphu đang triển khai kế hoạch để trở thành điểm đến thân thiện với xe đạp, với nhiều làn đường và tuyến đường dành riêng cho người đi xe đạp.
Là một quốc gia nhỏ bé nhưng Bhutan đã đặt ra và đạt được những mục tiêu lớn lao. Ngay từ năm 2009, Bhutan đã trở thành quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện carbon trung tính, nghĩa là không làm tăng thêm lượng carbon thải ra môi trường. Hiện tại, Bhutan trở thành nước duy nhất trên thế giới có mức thải cacbon âm, hay còn được gọi là “bồn chứa cacbon”. Nhờ việc bảo tồn và trồng rừng, Bhutan hấp thụ một lượng CO2 lớn gấp ba lần con số CO2 thải ra trên toàn đất nước. Ngày nay ở Bhutan, 72% diện tích đất là rừng, luật pháp cũng quy định rằng con số này không được thấp hơn 60% tại bất kỳ thời điểm nào. Quốc gia này thậm chí cấm xuất khẩu gỗ.
Nhờ vậy mà vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã chiếm hơn một nửa diện tích đất nước. Họ vẫn đang tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chương trình ‘Bhutan Xanh’ - trồng cây xây xanh, thực vật và hoa ở khắp nơi từ các thị trấn, thành phố tới nông thôn.
Năm ngoái, nước này bắt đầu chào đón các tuabin gió đầu tiên. Lắp đặt tại làng Rubesa, hai tuabin gió dự kiến có khả năng cung cấp đầy đủ điện năng cho trên 300 hộ gia đình. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng và sẽ có thêm 24 ‘trang trại gió’ được lắp đặt tại các thị trấn khác. Chính phủ Bhutan cam kết sẽ đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu điện ngày một gia tăng trong nước bằng các nguồn năng lượng tái tạo mới, thân thiện với môi trường.
(Ảnh: Dawa Gyelmo)
Chính phủ cung cấp điện miễn phí cho nông dân các vùng nông thôn (nông dân nói chung chiếm khoảng 70% dân số) như một biện pháp để ngăn ngừa tình trạng chặt rừng làm củi đun nấu.
Năm ngoái, một chương trình lắp đặt các tấm pin mặt trời với công suất 1000 kilowatt, cung cấp 13.500 bếp nấu năng lượng mặt trời và 2800 hệ thống phân hủy khí sinh học đã được tiến hành ở 20 quận. Các mô hình nhà máy thủy điện mini, với tiềm năng phát điện 33.000 megawatts cũng đang được xem xét.
Thủy điện đóng vai trò quan trọng đối với người dân Bhutan, cung cấp 100% điện đô thị và 94% cho các khu vực nông thôn. Hàng năm, Bhutan bán 70% sản lượng điện sản xuất trong nước cho nước láng giềng Ấn Độ.
Chính phủ Bhutan đang đặt mục tiêu lượng khí thải nhà kính bằng không, không xả thải vào môi trường đến năm 2030, và 100% thực phẩm là hữu cơ vào năm 2020.
Một quốc gia chỉ mở cửa vào những năm 1970, Bhutan đã và đang tự ứng phó với sự biến đổi khí hậu mà không có nhiều sự giúp đỡ từ bên ngoài. Với bầu không khí trong lành, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những dòng sông xanh trong vắt chảy từ rặng Himalaya kỳ vĩ, thật dễ hiểu khi người ta xem đây là một trong những nơi xanh nhất và hạnh phúc nhất trên trái đất.
(Lê Ngà - Theo Huffingtonpost)
- 205 lượt