Bạn có mắc ‘Hội chứng ám ảnh về tiền bạc’?

Bạn đã từng nghe đến ‘Hội chứng ám ảnh về tiền bạc’ chưa? Bạn có hay bị căng thẳng về chuyện tiền nong?

Bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần Roger Henderson đã sử dụng thuật ngữ  “hội chứng ám ảnh về tiền bạc” để mô tả những triệu chứng tâm sinh lý của người quá căng thẳng về chuyện tiền bạc. Những triệu chứng ấy gồm: khó thở, nhức đầu, buồn nôn, da nổi mẩn, chán ăn, dễ cáu gắt, bồn chồn lo lắng và bi quan. Bác sĩ Henderson nhận xét: “Lo lắng thái quá về tiền bạc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến stress”.



Những năm gần đây, con số nạn nhân của các chứng bệnh căng thẳng có liên quan đến tiền bạc ngày một gia tăng. Không chỉ trong giai đoạn kinh tế bất ổn, khủng hoảng tài chính khiến nhiều người mất việc làm, nhà cửa và các khoản tiền tiết kiệm, mà ngay cả trong thời kỳ kinh tế hồi phục và tăng trưởng, người ta cũng thường xuyên phiền muộn về tiền bạc. Mất tiền cũng đau khổ mà không biết giữ tiền thế nào cho an toàn, đầu tư tiền vào đâu cho hiệu quả cũng khiến chúng ta đau đầu mệt mỏi. Nỗi lo lắng về tiền bạc vẫn lan rộng như một bệnh dịch.  Một xã hội tiêu thụ nhiều có thể giúp cuộc sống tiện nghi đầy đủ hơn trong khi tâm lý con người dường như trở nên bất ổn hơn. Tờ The Witness đã liệt kê một số triệu chứng của “căn bệnh” này, bao gồm “căng thẳng, nợ nần, tiêu xài hoang phí, làm việc quá sức, tự ti, đố kỵ và trầm cảm” và tiền bạc bị ‘đổ lỗi’ là một trong những ‘thủ phạm’ gây nên tình trạng này.
 
Tại Ấn Độ và một số nước đang phát triển, người ta lo ngại rằng phát triển kinh tế và tiêu dùng gia tăng cũng kéo theo hậu quả là xã hội ngày càng bất ổn và bạo lực gia tăng.

Ở các nước phát triển đang hình thành một thế hệ mới những người trẻ thích phô trương, phung phí tiền bạc vào những mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, mức mua sắm cao như vậy không mang lại hạnh phúc cho họ. Thậm chí các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chính sự dư thừa vật chất là một trong những nguyên nhân tạo nên tình trạng nghiện ngập, trầm cảm và tự tử. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, dù sống dư giả nhưng chưa đến một phần ba người Mỹ cho rằng mình “rất hạnh phúc”.

Ở phía sáng hơn của bức tranh, dù thuận lợi hay khó khăn, dù giàu hay nghèo, vẫn có những người ít bị chi phối bởi những lo lắng về tiền bạc và sơ hữu của cải. Tại sao có sự khác biệt này?
Trong báo cáo ‘Ý nghĩa của đồng tiền’ (The Meaning of Money), các nhà nghiên cứu quan sát và thấy rằng đối với một số người, ‘tiền trở thành động lực chính, kiểm soát hành động. Lối nhận thức này thường dẫn đến căng thẳng và tâm lý bất an’. Ngược lại, ‘những người biết lập kế hoạch chi tiêu thường cảm thấy tự tin và chủ động hơn. Họ không bị lệ thuộc vào đồng tiền và thường ít gặp căng thẳng chuyện tiền bạc’.



Còn bạn thì sao? Bạn quan niệm thế nào về tiền bạc? Những biến động kinh tế ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Bạn có thực sự là chủ hay đang là ‘nô lệ’ của đồng tiền? Có thể bạn không gặp phải những triệu chứng của “Hội chứng ám ảnh về tiền bạc”. Nhưng, dù giàu hay nghèo, chúng ta đều rất dễ bị tổn thương bởi ma lực của đồng tiền. Vậy, hãy tự nhìn lại xem bạn có thực là chủ nhân hay đang để tiền bạc trở thành ông chủ của mình nhé, từ đó bạn có thể tìm cách thay đổi để tâm trí được bình an và đời sống hạnh phúc hơn.

Những dấu hiệu dưới đây cho thấy bạn có thể đang bị lệ thuộc vào đồng tiền:
 


·        Bạn thường né tránh bàn về chuyện tiền bạc vì nó khiến bạn cảm thấy lo lắng.
·        Tiền thường là nguyên nhân cãi vã trong gia đình bạn.
·        Bạn thường chi tiêu một cách miễn cưỡng.
·        Bạn thường xuyên lo lắng về các hóa đơn chi tiêu.
·        Bạn không nắm rõ các khoản thu nhập của mình
·        Bạn không kiểm soát được mức chi tiêu và các khoản nợ của mình.
·        Bạn thường giật mình mỗi khi nhận các hóa đơn thanh toán vì cao hơn dự kiến.
·        Bạn thường thanh toán trễ hạn.
·        Bạn chỉ có khả năng thanh toán mức tối thiểu của tiền nợ trong thẻ tín dụng.
·        Kế hoạch chi tiêu của bạn thường xuyên đổ bể.
·        Bạn phải làm thêm việc chỉ để thanh toán các khoản chi tiêu thông thường.
·        Bạn phải liên tục vay mượn để trả nợ cũ.
·        Bạn phải dùng khoản tiền tiết kiệm để trang trải chi phí sinh hoạt.
·        Bạn luôn có cảm giác thiếu tiền.
·        Bạn luôn cảm thấy áp lực phải tích lũy thật nhiều tiền.
·        Bạn có các triệu chứng tâm sinh lý của người bị căng thẳng về tiền bạc.
 
Vì vậy, hãy tỉnh táo và đừng để đồng tiền bào mòn sinh lực của bạn. Hãy học cách kiểm soát chi tiêu, cân bằng cuộc sống và quan trọng hơn cả, hãy nhận ra rằng tiền chỉ là phương tiện giúp cho cuộc sống dễ chịu hơn chứ không phải mục đích sống.
 
(Tổng hợp từ Smart Spender Series Report)