Kiệt sức trong công việc không chỉ do mệt mỏi mà còn vì cô đơn.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người cảm thấy mệt mỏi và đơn độc nơi làm việc. Kết quả của Cuộc khảo cứu xã hội năm 2016 cho thấy so với khoảng 20 năm trước, số lượng người xác nhận thường xuyên cảm thấy kiệt sức đã tăng lên gấp đôi. Gần 50% cho rằng nguyên nhân xuất phát từ công việc. Đây là con số báo động, tăng 32% trong vòng 2 thập kỷ qua. Và không chỉ vậy, có một mối tương quan đáng kể giữa sự mệt mỏi trong công việc và cảm giác đơn độc: càng mệt mỏi người ta lại cảm thấy càng cô đơn.

Cảm giác đơn độc này không bắt nguồn từ sự cô lập xã hội như mọi người vẫn thường nghĩ, mà do sự trai sạn cảm xúc vì căng thẳng nơi công sở. Khảo sát cho thấy khoảng 50% người lao động trong mọi ngành nghề, từ các tổ chức phi lợi nhuận cho đến lĩnh vực y tế đều bị stress nặng. Đây không chỉ là vấn của  cấp quản lý bận rộn, phải gánh vác nhiều trọng trách mà trở thành vấn nạn trong mọi lĩnh vực, mọi vị trí bất kể cao thấp trong xã hội.


Cảm giác cô đơn, cho dù do bị cô lập xã hội hay vì mệt mỏi kiệt sức, cũng đều dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với mỗi cá nhân. John Cacioppo, nhà nghiên cứu hàng đầu về các cảm giác cô đơn và đồng tác giả của cuốn sách ‘Cô đơn: Bản tính con người và Nhu cầu kết nối xã hội’ đã nhấn mạnh những tác động ghê gớm của cảm xúc tiêu cực này tới sức khỏe tâm sinh lý và tuổi thọ của con người. Nghiên cứu của Sarah Pressman - Trường Đại Học California, Irvine cho thấy, trong khi bệnh béo phì có thể làm giảm tuổi thọ 20%, uống rượu làm giảm 30%, hút thuốc làm giảm 50% thì cảm giác cô đơn có thể làm giảm tới 70% tuổi thọ. Thực tế, một cuộc nghiên cứu khác cho thấy cảm giác cô đơn làm tăng 30% nguy cơ đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch – loại bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển. Ngược lại, cảm giác kết nối, hòa hợp với xã hội có thể làm tăng cường hệ miễn dịch, kéo dài tuổi thọ và làm giảm lo lắng và trầm cảm .
Bất cứ ai đã từng trải qua nỗi cô đơn đều có thể xác thực được rằng, đó là một cảm giác đau đớn, thậm chí bộ não của chúng ta nhận diện nó như một nỗi đau thể xác. Nó không chỉ khiến người lao động cảm thấy chán nản rệu rã mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Khoa quản trị kinh doanh của trường Đại học Queen và tổ chức tư vấn toàn cầu Gallup đã thống kê những tổn thất lớn mà các doanh nghiệp phải gánh chịu khi nhân viên uể oải đối với các công ty khi các thành viên cảm thấy bị cô độc: tỷ lệ cố tình vắng mặt nơi sở làm tăng 37%, tỷ lệ bị tai nạn tăng 49%, lợi nhuận giảm 16% và giá trị cổ phiếu bị giảm 65%.

Hiện nay, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp đối phó với tình trạng này.Nhiều đề xuất được đưa ra như xả stress, thực hành chính niệm hay giảm tải công việc. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp trị liệu đang tiếp cận chứng kiệt sức nơi công sở như là một vấn đề đơn lẻ mà chưa thấy mối liên hệ giữa nó và cảm giác cô đơn. Sự kết nối giữa con người với nhau trong công việc có thể mới chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.

 

 


 

Nghiên cứu cho thấy, khi mọi người có sự kết nối, giúp đỡ lẫn nhau, vấn nạn căng thẳng mệt mỏi nơi công sở sẽ bị đẩy lùi.Không những thế, điều này còn giúp cải thiện năng suất làm việc và cảm giác hài lòng trong công việc.Xét cho cùng, nhân tố quan trọng nhất tạo nên niềm vui trong công việc chính là mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp. Một môi trường làm việc lành mạnh là nơi mọi người có cảm giác được tôn trọng, tin tưởng, nâng đỡ và an toàn. Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, khi có sự kết nối, chúng ta cảm thấy tự tin hơn, hạnh phúc hơn, và hiệu quả công việc chắc chắn sẽ cao hơn. Thêm vào đó, sự kết nối cũng giúp chúng ta trở nên cảm thông, cởi mở hơn, đáng tin hơn, như vậy cũng khiến người khác cảm thấy tin cậy và muốn hợp tác với chúng ta.

Vậy lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người lao động cần phải làm gì?

Đẩy mạnh tinh thần đoàn kết và sự cảm thông nơi công sở.

Nghiên cứu của giáo sư Kim Cameron, Đại học Michigan cho thấy những công ty có văn hóa quan tâm sẻ chia, hỗ trợ, tôn trọng, trung thực và bao dung thường đạt được những thành tựu to lớn hơn. Sự thông cảm là nhân tố đặc biệt quan trọng để chống lại sự mệt mỏi và kiệt sức trong công việc, chúng ta cần đẩy mạnh những giá trị công đồng tốt đẹp, lòng chân thành ấm áp, sự thấu hiểu trong các mối quan hệ . Giáo sư Jane Dutton, thuộc trường Đại học Michigan, đồng tác giả cuốn sách Awakening Compassion at Work đã lập luận đầy thuyết phục rằng sự sẻ chia và tình yêu thương là nguồn lực nuôi dưỡng lòng nhiệt tình, hăng say làm việc.


 

Xây dựng mạng lưới vững mạnh để tiếp sức cho người lao động thông qua các hội, nhóm.

Những nhóm, hội này có thể trở thành chỗ dựa tinh thần cho mọi người, nơi các thành viên có thể được tư vấn chuyên môn cũng như chia sẻ cảm xúc.Hầu hết các công ty đều chưa chủ động thực hiện điều này. Tuy nhiên, các công ty có thể chỉ định những thành viên chuyên trách, hỗ trợ nhân viên tiếp cận và kết nối với những người cố vấn, chuyên gia, hay những đồng nghiệp có năng lực. Dỡ bỏ hàng rào ngăn cách giữa các thành viên thông qua việc lên lịch kết nối, cung cấp các thông tin cá nhân phù hợp (bao gồm cả sở thích, mối quan tâm ngoài công việc) có thể mang lại rất nhiều lợi ích về lâu dài.

Đề cao tinh thần tập thể

Niềm vui đến từ những giây phút ăn mừng sẽ trôi qua rất nhanh, nhưng việc tôn vinh sức mạnh nhóm, đề cao thắng lợi của cả tập thể tạo ra sự gắn kết trong tổ chức. Một trong những thí dụ điển hình là Vườn ươm khởi nghiệpAwethu nổi tiếng của Nam Phi. Mỗi khi có thành viên mới gia nhập một dự án mới, một hồi chuông báo vang lên, tất cả các nhân viên của công ty đều tạm dừng mọi việc đang làm và chào đón thành viên mới. Nghi thức này giúp xây dựng tình đoàn kết, tập thể, tạo ra cảm giác được đón nhận, và giảm căng thẳng trong công việc.


Nhân viên cảm thấy kiệt sức và cô độc là một trong những mối nguy lớn đối với doanh nghiệp.Những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy tại Anh nó có thể gây ra tổn thất tài chính cho chủ doanh nghiệp lên tới hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Ở Mỹ, hàng năm hệ thống y tế cũng tốn hàng trăm tỷ Đô la để điều trị chứng mệt mỏi, kiệt sức trong công việc. Hậu quả đã quá rõ ràng, và đã đến lúc các lãnh đạo và nhà quản lý hành động để đối trị vấn nạn nghiêm trọng này.

Ngân Hoàng

(Theo Harvard Business Review)