4 tiêu chí chọn nghề dưới góc nhìn Đạo Phật để có cuộc sống an lạc

 Hãy lựa chọn nghề nghiệp bằng cả lòng từ bi và trí tuệ để nghề nghiệp đó sẽ là nơi chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi, chính niệm và tinh tấn trên con đường thực hành trưởng dưỡng tâm linh của mình.

Khi lựa chọn nghề nghiệp, chúng ta cần xác định rõ mục đích của công việc là xây dựng cuộc sống vật chất nhưng phải không tổn hại đến chúng sinh và cản trở đời sống tinh thần của chúng ta. Chọn được một nghề nghiệp chân chính thì mới có được cuộc sống an lạc, có điều kiện tu tập tinh tấn và tạo điều kiện cho gia đình, con cái có được môi trường sống lành mạnh. Vậy các tiêu chí lựa chọn công việc theo lời Phật dạy là gì?

Công việc có chính mạng không?



Trong Bát chính đạo, Đức Phật từng chỉ dạy rằng Chính mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chính mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện. Một cách cụ thể, người tu tập Chính mạng phải cố gắng xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá...) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chính ngữ, Chính nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chính mạng.

Lựa chọn công việc “Chính mạng” không chỉ nhằm bảo vệ cho người khác mà còn bảo vệ cho chính chúng ta. Bởi khi làm tổn hại đến người khác thì không chỉ tự hành động đó đã vi phạm căn bản đạo đức mà còn gây tổn hại cho bản thân người làm công việc này.



Ví dụ những người bán cá hay bán thịt gia súc, gia cầm, công việc của họ đương nhiên là gây hại cho những con vật này, nhưng ngoài ra, hằng ngày họ cũng phải chứng kiến cảnh các con vật chịu đau khổ dưới tay mình. Điều này sẽ gây cho họ những ám ảnh, giằng xé nội tâm, và họ phải chịu quả báo không chỉ trong một đời.

Những người làm những việc không chính mạng cũng sẽ khó có thể tu tập trưởng dưỡng tâm linh được.

4 tiêu chí chọn nghề

1. Nhân – Quả không sai
Nhân quả chắc chắn sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Gieo nhân lành thì có quả ngọt, ngược lại, gieo nhân ác phải chịu khổ đau, bản thân không thể oán trách được ai.

2. Hãy luôn trung thực



Có thể nói đặc trưng của cuộc sống và công việc ngày nay là sự che đậy, dối trá, không trung thực. Con người vì kiếm tiền, vì lợi nhuận, vì tranh giành thị trường mà bất chấp mọi thủ đoạn. Dù xã hội như vậy nhưng người Phật tử cần luôn giữ mình, không vì lợi nhuận, lợi ích cho bản thân mà nói dối dù là lời nói dối nhỏ nhất.

3. Giữ chính niệm trong công việc

Hãy chú tâm vào việc chúng ta làm, giúp đỡ đồng nghiệp, thực hành từ bi và giữ đúng lời nói chính niệm trong giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác hay khách hàng.

Từng khoảnh khắc cuộc sống luôn tiềm ẩn những điều lý thú. Chúng ta chán ghét những gì không liên quan đến công việc bởi nghĩ rằng chúng làm lãng phí thời gian quý báu, nhưng những thứ dường như không liên quan đó lại có thể dạy chúng ta nhiều điều hay. Nếu biết chú tâm lắng nghe một đồng nghiệp chia sẻ về công việc, ta có thể học hỏi được áp dụng cải thiện cho công việc của chính mình. Ta có thể nhận ra một khía cạnh tích cực của người đồng nghiệp mà trước đây ta đã lơ là.
Cuộc sống và công việc là cơ hội quý báu cho chúng ta thực hành chính niệm, ngay cả trong những hoàn cảnh như một công việc căng thẳng, đồng nghiệp không tốt, môi trường làm việc không thuận lợi,… Thực hành chính niệm sẽ giúp bạn vượt qua những tình huống này.

4. Tri ân công việc của mình



Dù làm nghề nghiệp gì thì chúng ta cũng đang góp phần vào việc xây dựng xã hội bởi nghề nghiệp nào cũng có vai trò nhất định. Hãy trân trọng công việc của mình! Chúng ta làm việc không chỉ để nhận lương vào cuối tháng, mà còn làm việc bởi công việc của chúng ta có ý nghĩa, có đóng góp vào cuộc sống chung của cả xã hội.
Tri ân mọi thứ ta có trong cuộc sống sẽ đem lại nguồn khích lệ lớn lao cho mỗi người. Chúng ta không nhất thiết phải nhắc lại mỗi sáng câu “Tôi thật may mắn vì có công việc này”, nhưng thực sự cần duy trì thái độ trân trọng, tri ân đối với những mặt tích cực của công việc.

(Nguồn Blog Phật Giáo)