Cách cai nghiện mạng xã hội - "xiềng xích" khiến bạn mất tự do

Bạn có chộp ngay lấy chiếc điện thoại và kiểm tra thông báo mới vào mỗi buổi sáng ngay khi thức dậy? Nếu câu trả lời là “dĩ nhiên” thì bạn có thể đang mắc chứng nghiện mạng xã hội khiến bạn bị ràng buộc với chiếc smartphone đấy!
 
Mọi người có thể dùng mạng xã hội để cập nhật thông tin từ bạn bè, kết nối với những người ở xa, giải trí hay đơn giản là “giết thời gian”. Chứng nghiện mạng xã hội có thể lấy mất đi sự tự do khi bạn bị ràng buộc với chiếc smartphone mỗi ngày. Vấn đề chỉ thật sự xảy ra khi bạn dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, khiến nó thành một “căn bệnh” gây ảnh hưởng đến bạn cả về thể chất lẫn tinh thần.
 
Nghiện mạng xã hội là gì?
 
Nghiện mạng xã hội dùng để chỉ tình trạng khi bạn dành quá nhiều thời gian cho các mạng kết nối trực tuyến. Thật ra thì rất khó để xác định xem một người có mắc phải chứng nghiện mạng xã hội hay không. Nếu bạn dành hàng giờ liền để kiểm tra mạng xã hội thì nhiều khả năng bạn đã mắc chứng bệnh thời công nghệ này.

Dấu hiệu nghiện mạng xã hội
 
Hãy kiểm tra xem bạn có gặp phải những dấu hiệu nghiện mạng xã hội dưới đây không nhé:
 
·         Bạn check-in ở mọi lúc mọi nơi
·         Bạn đếm từng lượt “Thích” và “Chia sẻ”
·         Bạn tìm kiếm kết nối Internet ở mọi nơi
·         Bạn chụp hình tất cả mọi thứ quanh mình
·         Bạn kiểm tra thông báo mới thường xuyên
·         Bạn xem tin cập nhật ngay khi mới thức dậy
·         Bạn lướt trang trong vô thức, không có mục đích gì
·         Bạn chỉ muốn trò chuyện với mọi người qua mạng xã hội
 
Nguyên nhân gây nghiện mạng xã hội
 
Tại Đại học Harvard, các nhà nghiên cứu đã thực hiện quét MRI trong não bộ để xem điều gì xảy ra khi bạn nói về bản thân mình. Kết quả cho thấy khi nói về bản thân, trong não bộ xuất hiện những vùng não “hạnh phúc”.
 
Thực tế, bạn sẽ rất mong chờ nhận được phản ứng từ những người khác khi đăng tải một điều gì đó về bản thân mình. Nhận được những tương tác ấy, bạn thấy mình không cô đơn và có sự kết nối hơn với mọi người xung quanh. Lúc ấy, các tế bào thần kinh sẽ giải phóng hormone dopamine để báo hiệu cho các tế bào thần kinh khác để làm bạn cảm thấy vui sướng và mãn nguyện.
 
Nghiện mạng xã hội chủ yếu là do sự tương tác ảo khiến bạn cảm thấy hạnh phúc khi bạn thiếu cảm giác kết nối bên ngoài.
 
Tác hại khi bạn nghiện mạng xã hội

Mạng xã hội thực chất không xấu, nhưng nếu không biết cách quản lý thói quen sử dụng mạng xã hội của mình, bạn sẽ gặp phải không ít những tác hại nghiêm trọng.
 
1. Nguy cơ “bắt nạt ảo” 

Không chỉ để nhận những tương tác đơn thuần, không ít người lợi dụng mạng xã hội để bắt nạt người khác hay chính bạn có khi lại trở thành người bắt nạt người khác. Hiện tượng này gọi là “bắt nạt ảo” (Cyberbullying) khiến nạn nhân nhận lấy vô số những tổn thương về mặt tâm lý.

Nghiêm trọng hơn, những ảnh hưởng từ mạng xã hội có thể khiến bạn suy kiệt về mặt tinh thần và không còn cách nào khác hồi phục ngoài việc tìm đến cái chết để giải thoát.
 
2. Giảm năng suất làm việc 

Bạn có biết rằng mạng xã hội cũng là một tác nhân gây xao nhãng khiến năng suất làm việc của mình suy giảm? Hãy tưởng tượng khi bạn đang phải tập trung hoàn thành một báo cáo nào đó nhưng chẳng may một tiếng “ting” trên Facebook khiến bạn cứ nôn nao muốn biết đang có thông báo gì.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, nếu bạn càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì khả năng tập trung sẽ lại càng giảm đi. Điều này lâu dần dẫn đến sự trì hoãn trong công việc, khiến bạn luôn chần chừ trong mọi quyết định.

3. Tâm lý ghen tị 

Ảnh hưởng rõ ràng nhất của mạng xã hội đem đến chính là áp lực từ bạn bè. Bạn sẽ bị tác động tâm lý và có xu hướng so sánh mình với những người khác.

Khi thấy những người khác chia sẻ về cuộc sống đáng ao ước của họ, tâm lý ghen tị sẽ thường xuất hiện và khiến bạn cũng muốn được như vậy. Tâm lý ghen tị không chỉ tạo ra cảm giác lo âu mà về lâu dài còn có thể phát triển thành những rối loạn tâm thần khác.
 
4. Các vấn đề sức khỏe 

Ngoài ảnh hưởng đến thị lực chứng nghiện mạng xã hội còn gây ra không ít bệnh lý khác. Bạn có thể bị đau lưng và cổ vì phải cúi xuống liên tục để nhìn vào màn hình điện thoại. Hội chứng ống cổ tay cũng gây ra tình trạng đau và tê bì của nhiều ngón tay và bàn tay.

Không chỉ nghiện mạng xã hội mà thói quen sử dụng điện thoại thường xuyên còn khiến bạn bị nhức đầu. Đặc biệt, vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn có thể gặp phải tình trạng khó ngủ hay các rối loạn về giấc ngủ khác.
 
Cách “cai nghiện” mạng xã hội

Nếu bạn nghĩ mình đã dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thì có lẽ đã đến lúc nên tìm cách để thoát khỏi xiềng xích thời công nghệ này. Dưới đây là những gợi ý hữu ích mà bạn có thể áp dụng ngay từ hôm nay:
 
1. Giới hạn thời gian trên mạng xã hội 

Cách hiệu quả nhất để không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội là giảm bớt thời gian sử dụng. Bạn chỉ nên dành 15 – 20 – 30 phút vào khung thời gian nghỉ ngơi cho mạng xã hội thay vì cập nhật thường xuyên. Bạn không phải ép buộc bản thân không được sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài vì điều này chỉ gây ức chế tâm lý mà không có hiệu quả.

Bạn nên chia ra khoảng thời gian sử dụng để giảm bớt thời gian dùng mạng xã hội. Chẳng hạn như bạn chỉ dùng mạng xã hội trong những lúc rảnh rỗi hay chọn cách tương tác với người thật nhiều hơn tương tác ảo.
 
2. Tắt chức năng thông báo 
 
Một trong những yếu tố quan trọng khiến mọi người nghiện mạng xã hội là thích cảm giác được cập nhật tin tức mới liên tục. Thế nên, cách tốt nhất để giảm bớt chứng nghiện mạng xã hội là cài đặt tắt chức năng thông báo.

Khi ấy, bạn cũng sẽ không bị xao nhãng bởi âm thanh thông báo khi đang muốn tập trung tâm trí làm một việc gì đó. Khi tập trung, bạn cũng dễ hoàn thành việc nhanh hơn và không còn tâm lý chần chừ.
 
3. Làm cho mình bận rộn với những việc ý nghĩa 

Rõ ràng chiếc smartphone và mạng xã hội là lựa chọn hàng đầu khi bạn không có việc gì để làm. Thế nên, hãy bắt đầu thực hiện cách giảm bớt sự lệ thuộc vào mạng xã hội bằng cách tìm cho mình bận rộn với những việc ý nghĩa.

Hãy thực hiện bất kể thói quen nào dù là đọc sách, thiền, chơi thể thao… Bạn cũng đừng ngại bắt đầu thử một sở thích mới mà mình chưa bao giờ thử trước đây để tạo thêm nhiều niềm vui cho cuộc sống.
 
4. Để điện thoại ở xa 

Một kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 74% người có thói quen kiểm tra điện thoại trong khoảng 15 phút trước khi đi ngủ. Nghĩa là bạn sẽ không thể không sử dụng đến điện thoại nếu nó ở xa tầm tay của bạn.

Giải pháp là bạn đừng nên để điện thoại trên giường ngủ mà hãy để nó càng xa càng tốt. Cách này cũng khá hiệu quả nếu bạn cài đặt báo thức, nhưng lại muốn tắt luôn báo thức khi thức dậy vì điện thoại ở gần.
 
5. Xây dựng mối quan hệ thực tế 

Đôi khi có thể bạn rất muốn từ bỏ mạng xã hội nhưng đây là nơi duy nhất dành cho bạn những lúc cô đơn. Vậy thì hãy tìm kiếm những người mà bạn tin tưởng nhất để tâm sự mỗi khi bạn gặp bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống.

Để duy trì các mối quan hệ xã hội thực tế, bạn hãy cởi mở với những người xung quanh mình. Bạn cũng có thể tìm cách tham gia một câu lạc bộ, diễn đàn, hoạt động tình nguyện, tập gym…
 
Để “cai nghiện” mạng xã hội thành công, bạn nên xây dựng những mối quan hệ thực tế và dành thời gian chăm sóc bản thân. Khi thật sự hài lòng về chính mình, bạn sẽ không cần phải xuất hiện trong “thế giới ảo” nữa.
 
Cùng với sự phát triển của công nghệ thì mạng xã hội cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn hãy là một người dùng tỉnh táo để khai thác các lợi ích từ các mạng kết nối. Đừng để mình bị nghiện mạng xã hội và trở thành “nô lệ” của xiềng xích thời công nghệ!
 
(Theo Hellobacsi)