Vì sao nhiều người trẻ Nhật Bản sẵn sàng “làm việc đến chết”?

Làm việc nhiều giờ trong ngày là một điều rất bình thường ở Nhật Bản, và ngày nay nó đang nhanh chóng trở thành một tiêu chuẩn mới trong xã hội hiện đại của đất nước này. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người nhận ra những hệ quả tiêu cực của nó.

Ở Nhật Bản, ‘karoshi’ là từ dùng để chỉ những cái chết do làm việc quá sức. Nếu những nhân viên trẻ người Nhật không nhận ra được những nguy hiểm của làm việc vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, thì ‘karoshi’ rất có thể sẽ là kết cục đáng buồn của họ.

(Ảnh: imgur.com)

Nhiều trường hợp tìm đến cái chết do stress công việc và làm quá sức vẫn tiếp tục xảy ra và đang vấn đề đáng báo động ở Nhật Bản.

Vào hồi tháng 7/2013, Miwa Sado – phóng viên đài truyền hình NHK tại Tokyo đã đột ngột qua đời vì một cơn đau tim. Nguyên nhân cái chết được cho là cô làm việc quá sức, với số lượng làm thêm giờ trong tháng lên đến 159 giờ. Vụ việc của Miwa lại một lần nữa làm nổi bật lên tình trạng ‘karoshi’ ở Nhật Bản.

Vào năm 2005, một trường hợp tự tử gây chấn động Nhật Bản là cái chết của cô Matsuri Takahashi 24 tuổi, cô đã nhảy lầu tự sát vì phải làm thêm tới 105 giờ trong tháng. Trước khi chết, cô Matsuri Takahashi đã để lại lời nhắn cho mẹ: “Tại sao mọi thứ lại khó khăn như vậy?”

Những chỉ trích liên quan tới cái chết của cô Takahashi khiến Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn quảng cáo Dentsu phải từ chức vào đầu năm 2017.
Kết quả hình ảnh cho Matsuri Takahashi

Mẹ cô Matsuri Takahashi đau lòng trước cái chết của con. (Ảnh: asahi.com)

Năm 2015, cảnh sát Nhật Bản ghi nhận 2.000 trường hợp tự tử, trong đó áp lực công việc thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu. Vậy vì sao mà nhiều người Nhật trẻ tuổi lại sẵn sàng làm việc đến chết như vậy?

Trong một cuộc phỏng vấn với trang BBC News, Makoto Iwahashi, một thành viên của nhóm vận động Posse, đã chia sẻ những suy nghĩ của anh về lý do tại sao ngày càng nhiều Nhật trẻ đang làm việc đến chết.

Theo Iwahashi, rất nhiều người lao động trẻ tuổi ở Nhật nghĩ rằng để giữ được công việc và chứng minh giá trị của mình trong công ty, dường như họ không còn lựa chọn nào khác ngoài làm việc cật lực và trở thành ‘nô lệ’ cho công ty và ông chủ của họ.

 

(Ảnh qua rocketnews24.com)

Hơn nữa, hiện nay ngày càng có nhiều công ty thích thuê những người trẻ làm việc cho họ trong một thời gian dài, nhưng chỉ là vị trí tạm thời. Điều này khác rất nhiều so với xưa kia, khi người ta vẫn yêu cầu nhân viên làm việc nhiều giờ, nhưng sẽ tưởng thưởng cho những nỗ lực của họ bằng vị trí chính thức sau đó.

Môi trường làm việc ở Nhật Bản đang trở thành một ‘chiến trường sống còn’ của những người làm việc chăm chỉ nhất – những người sẵn sàng làm việc quá sức để có thể thuyết phục được công ty rằng họ là một người không thể thay thế.

Theo một bài báo của CNBC, một nghiên cứu năm 2016 đã tiết lộ khoảng 12% công ty tại Nhật đưa ra yêu cầu nhân viên làm thêm 100 giờ một tháng, trong khi 23% đề nghị khoảng 80 giờ làm thêm.

Chính phủ Nhật Bản đã nhận ra và đang quan tâm đến vấn đề này, họ đã đề xuất quy định mới chỉ cho phép nhân viên làm việc từ 45-60 giờ làm thêm một tháng.

(Theo Quốc Hùng - trithucvn.net)